Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

09:02, 23/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phấn khởi, tự hào là tâm trạng chung của chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành khi huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là thành quả từ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành trong quá trình thực hiện các tiêu chí về NTM và trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2011 - 2015.

TIN LIÊN QUAN

Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Nghĩa Hành đạt nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả ngày càng cao. Hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc. Môi trường sinh thái được cải thiện. An ninh trật tự được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...
 

 

Được công nhận là huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành, mà còn là niềm tự hào chung của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.  Để xứng đáng lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh, thời gian tới Nghĩa Hành cần tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng tiêu chí NTM; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...  Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hoàn thiện hạ tầng nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu “Nông thôn mới kiểu mẫu”...
          Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG

Từ xuất phát điểm thấp...

Năm 2011, tỉnh chọn Nghĩa Hành làm huyện điểm triển khai xây dựng NTM, nhưng với số tiêu chí bình quân chỉ đạt 5/19; tỷ lệ hộ nghèo trên 18%; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thu nhập của người dân còn thấp... đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành.

Trước tình hình trên, được sự quan tâm động viên, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Huyện ủy Nghĩa Hành đã chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết số 01 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM; UBND huyện ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Nghĩa Hành chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các ngành, địa phương, đơn vị...

Cùng với việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình NTM trong nhân dân; đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đã tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân đồng thuận cao.

Giao thông nông thôn ở huyện Nghĩa Hành ngày càng hoàn thiện, với sự góp sức rất lớn của người dân. Ảnh: Đ.Diệu
Giao thông nông thôn ở huyện Nghĩa Hành ngày càng hoàn thiện, với sự góp sức rất lớn của người dân. Ảnh: Đ.Diệu


Dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí trên 1.100 tỷ đồng, thực hiện Chương trình xây dựng NTM để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nông thôn.
 

Tổng nguồn lực Nghĩa Hành huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2011-2017 trên 1.100 tỷ đồng. Đến nay số tiêu chí bình quân của Nghĩa Hành đạt 19/19 tiêu chí. 11/11 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân 31 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,85%. Có 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 100% xã, thị trấn có hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Có 90% lao động có việc làm; an ninh, trật tự xã hội cơ bản được giữ vững. Thị trấn Chợ Chùa được công nhận đô thị loại V...

Tuy nhiên, theo người dân Nghĩa Hành, “cái mới” của NTM không chỉ là có trên 382km đường giao thông và 111km kênh mương được kiên cố hóa, bê tông sạch đẹp; chiếc cầu Hành Tín có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng bắc ngang sông Vệ nối xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây, cơ sở vật chất văn hóa hoàn thiện, trường học và trạm y tế khang trang... mà là nhận thức của nhân dân về vai trò chủ thể được nâng lên, cộng với sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Xác định thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân là thước đo kết quả NTM, nên UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương gắn xây dựng NTM với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường hướng dẫn người dân ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất... thông qua việc hỗ trợ đầu tư 63 mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, với kinh phí trên 16 tỷ đồng; dồn điền đổi thửa, chỉnh trang 160ha và xây dựng 170ha cánh đồng mẫu, để hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, Nghĩa Hành đã tăng cường đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cung cấp rộng rãi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Vì vậy, ngày càng có nhiều “cánh đồng mẫu” cho thu nhập từ 100  -  300 triệu đồng/ha. Thậm chí một số mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp như 174ha cây ăn quả, gần 2.000ha kinh tế vườn...  đem lại giá trị kinh tế cao. Một số nơi đạt doanh thu 1- 2 tỷ đồng/ha.

...đến huyện điểm có nhiều “cái nhất”

Bên cạnh một số “cái nhất” về tiêu chí NTM đã đạt như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, phát triển sản xuất...  thì hiện nay, Nghĩa Hành là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh có 100% trường học, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Đây được xem là thành tựu nổi bật của chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành. Bởi năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Nghĩa Hành là một trong các địa phương có số lượng trường học, trạm y tế bị hư hỏng, xuống cấp nhiều nhất. Rồi trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu nên không đáp ứng nhu cầu dạy học cũng như chăm sóc sức khỏe người dân.

Bánh tráng Hành Trung, đặc trưng cho chương trình
Bánh tráng Hành Trung, đặc trưng cho chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".


Với quan điểm “dân trí cao, thể lực tốt mới tính chuyện thoát nghèo, làm mới nông thôn”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục và y tế thay vì hạ tầng nông thôn. Vì vậy, hệ thống trường học và y tế được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và trang thiết bị, góp phần xóa tình trạng trường tạm bợ, trạm y tế thiếu thiết bị và bác sĩ.

Với kết quả này, Nghĩa Hành trở thành huyện “hai nhất” về giáo dục và y tế của tỉnh. “Tất cả các trạm y tế xã, thị trấn đã được trang bị máy siêu âm, máy điện tim nên không chỉ chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng cao, mà còn góp phần giảm tải việc khám chữa bệnh ban đầu cho tuyến trên”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình cho biết.

Hướng đến “Nông thôn mới kiểu mẫu”

Giai đoạn 2017 - 2020, Nghĩa Hành phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm... Đến năm 2020, diện tích trồng cây ăn quả 200ha và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; chuyển mạnh lao động nông nghiệp trong độ tuổi sang lao động công nghiệp và dịch vụ; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 4,5%... Ngoài ra, huyện cũng phấn đấu hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tiến tới hoàn thành mục tiêu “Nông thôn mới kiểu mẫu”.

Cây ăn quả là đối tượng chủ lực, đã và đang được huyện đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa.
Cây ăn quả là đối tượng chủ lực, đã và đang được huyện đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa.


Theo đó, Nghĩa Hành sẽ hoàn thiện 100% hệ thống đường giao thông thôn, xóm; giữ vững 100% các thôn, xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi, hồ chứa bị hư hỏng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.  

Để hoàn thành mục tiêu trên, Huyện ủy Nghĩa Hành đã ban hành Chỉ thị số 17 về việc hoàn thành và nâng cao chất lượng huyện NTM. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghĩa Hành chung sức xây dựng nông thôn mới” trên phạm vi toàn huyện; tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia "mỗi xã một sản phẩm" cũng như tăng cường liên kết với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung giải quyết vấn đề môi trường, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự...

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được huyện Nghĩa Hành đặc biệt quan tâm.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được huyện Nghĩa Hành đặc biệt quan tâm.


Bên cạnh việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án được triển khai trên địa bàn, Nghĩa Hành sẽ tiếp tục bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư thực hiện Chương trình NTM; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia thực hiện những công trình, dự án để nâng cao vai trò và trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM...

“Huyện cũng tập trung triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu theo phong trào xã NTM “4 có” là, có một sản phẩm hàng hóa, có một khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, có cổng chào điện tử và có một tuyến đường kiểu mẫu. Phát động phong trào KDC “3 có”: Có vườn xanh, có nhà sạch, có ngõ đẹp. Phấn đấu đến năm 2018 sẽ triển khai xây dựng KDC kiểu mẫu đầu tiên ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phan Bình cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với Nghĩa Hành là nguồn vốn bố trí cho các địa phương xây dựng NTM chưa tương xứng. Hạ tầng nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn. Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp. Chưa có nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Những yếu tố đó, đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng xây dựng NTM kiểu mẫu.

Trường học được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Trường học được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học.


Vì vậy, để đảm bảo lộ trình xây dựng NTM, bên cạnh việc phát huy nội lực, huyện Nghĩa Hành kiến nghị tỉnh quan tâm bố trí ngân sách và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại.


Mỹ Hoa

 


.