Bảo tồn, phục tráng giống nếp quý

03:02, 04/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhắc đến giống nếp Cun Cút hay còn gọi là nếp Cút, hầu như ai đã từng biết loại nếp này đều khen ngợi. Còn đối với người dân thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) luôn tự hào về loại nếp được xem như đặc sản truyền thống, có chất lượng đậm đà, thơm ngon mà chỉ vùng đất này mới có.

Giống nếp quý

“Nếp Cút là giống nếp có từ rất lâu đời của người dân địa phương. Vào mùa nếp trổ bông, chúng tôi đi ngang qua cánh đồng đã cảm nhận được hương thơm. Hạt nếp Cút trắng tròn đều, dùng để nấu xôi, làm bánh chưng, bánh tét ăn rất thơm ngon và bảo quản được lâu.

Đặc biệt giống nếp này chỉ thích hợp với vùng đất bùn sinh khoáng, đầm lầy gần suối nước nóng ở thôn An Hội Bắc 1. Nếu mang đi trồng ở vùng đất khác, nếp không còn hương vị như vậy nữa”, ông Bùi Tá Phước, ở thôn An Hội Bắc 1 nói về giống nếp của quê hương mình.

Người dân ở thôn An Hội Bắc 1 gìn giữ nếp Cút như một loại đặc sản quý.
Người dân ở thôn An Hội Bắc 1 gìn giữ nếp Cút như một loại đặc sản quý.


Đối với người dân ở thôn An Hội Bắc 1, cứ đến dịp tháng 5 âm lịch hằng năm, họ lại đi cấy giống nếp Cút tại cánh đồng gần khu vực suối nước nóng. Vì canh tác trên đất bùn lầy, nên việc trồng trọt hết sức khó khăn. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều, người dân địa phương đều gìn giữ giống nếp này.

Tháng 10 âm lịch là mùa vụ thu hoạch nếp Cút. “Mọi người phải lội bùn đi cấy, nhưng từ chính đất bùn đã mang lại chất lượng tuyệt hảo của nếp. Sau khi thu hoạch ai cũng để dành những bông nếp đẹp nhất làm giống. Còn nếp không cần mang ra chợ bán đã có người đặt tiền trước và đến tận nhà mua với giá 80.000 đồng/ang, nhưng không đủ bán”, lão nông Nguyễn Văn Thanh kể.

Ở An Hội Bắc 1, ông Thanh là một trong những người còn lưu giữ giống nếp Cút theo phương pháp truyền thống. Đến mùa nếp chín, ông ra đồng, cắt chọn từng bông nếp đẹp nhất, mang về xếp từng bông để phơi khô. Sau đó, ông bó lại rồi treo trên giữa trần nhà.

Định hướng phát triển

Từ lâu, nếp Cút được xem như một loại đặc sản ở vùng quê Nghĩa Kỳ. Ông Bùi Tá Phước chia sẻ, vì số lượng ít nên nếp Cút chỉ sử dụng trong dịp quan trọng như đãi khách quý của gia đình hoặc giỗ, Tết. Ngoài ra, nếp Cút còn là nguyên liệu tạo nên hương vị của loại rượu truyền thống có tên rượu nếp Cút Thổ Bách Nhật, theo công thức nếp Cút nấu, chế biến với đậu xanh, trứng gà, đưa xuống hầm đất ủ 100 ngày. Không chỉ mang lại hương vị thơm ngon, rượu nếp Cút còn có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe.

Với nhiều ưu điểm, mang lại giá trị kinh tế cao, giá bán gấp 2, 3 lần giá lúa thường, nhưng nếp Cút đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng đến chất lượng. Bởi trong quá trình sản xuất, giống nếp Cút pha lẫn với nhiều loại nếp khác dẫn đến lai tạp. Diện tích trồng nếp Cút hiện nay vào khoảng 7ha. Vì trồng nhỏ lẻ, nên số nếp thu hoạch người dân sử dụng chủ yếu trong gia đình, chưa phát huy được thế mạnh sẵn có của giống nếp. Vì thế việc định hướng bảo tồn, phục tráng giống nếp Cút không chỉ góp phần gìn giữ giống nếp truyền thống, lâu đời, đa dạng sinh học mà còn phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Hồng Hà, người dân rất mong muốn nhân rộng sản xuất giống nếp Cút với quy mô lớn, trong đó hợp tác xã làm đầu mối trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.

Để tạo thương hiệu uy tín cho nếp Cút, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tư Nghĩa Nguyễn Văn Sơn cho hay, nếp Cút cần được xây dựng định danh, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Nếp Cút vùng sinh thái nước nóng Nghĩa Kỳ”.

Từ đó, tập huấn, hướng dẫn cho người dân sản xuất nếp Cút theo hướng VietGap, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ý nghĩa lưu giữ nguồn gen quý mang tính bản địa, nâng cao chất lượng nông sản ổn định, thì việc bảo tồn giống nếp Cút còn giữ lại những giá trị văn hóa trong đời sống, sản xuất của người dân.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.