(Báo Quảng Ngãi)- Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết, các chủ trang trại và hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Hiện giá thịt gà, thịt heo đang tăng nên người chăn nuôi hy vọng sẽ có lãi.
Vào vụ cao điểm
Ông Võ Duy Lộc, thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) chăn nuôi theo kiểu nông hộ đã gần 4 năm. Năm nào cũng vậy, gần Tết ông phải tái đàn. Lý giải điều này, ông Lộc nói: “Đây là thời gian “cao điểm” trong năm nên những hộ chăn nuôi theo kiểu nông hộ như chúng tôi phải tái đàn. Không tái đàn, không nuôi thêm thì không có gà, vịt cung ứng cho thị trường Tết và đám tiệc”.
Ông Võ Duy Lộc chăm sóc đàn gia cầm của mình để xuất bán trong dịp Tết. ảnh Đ.Diệu |
Còn anh Đinh Văn Hiếu, tổ dân phố An Bàng, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) sau khi xuất bán hơn 3.000 con vịt, liền thả nuôi gần 6.000 con vịt mới để phục vụ Tết và cung ứng cho tháng Giêng. Anh Hiếu chia sẻ: “Cuối năm và Tết là thời điểm người nuôi cần phải tái đàn và chuẩn bị số lượng lớn để cung ứng ra thị trường. Ngoài thịt thì trứng cũng là thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ mạnh trong thời gian này”.
Có lợi thế về đất đồi, đầu năm 2017, ông Lữ Một, thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) thực hiện mô hình nuôi gà thả đồi theo phương pháp truyền thống. Tận dụng bóng mát dưới tán keo, ông khoanh lưới thả 1.200 con gà. Nhờ khu vực chăn nuôi nằm cách xa khu dân cư nên việc chăn nuôi và phòng dịch bệnh cho đàn gà thuận lợi.
Nhằm đem đến cho thị trường sản phẩm thịt gà chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thay vì cho ăn cám công nghiệp, ông cho gà của mình ăn cám bắp trộn chuối và bánh dầu. Theo ông Một, nuôi gà bằng cám bắp trộn chuối và bánh dầu sẽ tiết kiệm khoảng 4.000 đồng/kg thức ăn. Gà công nghiệp nuôi khoảng 3 tháng là xuất chuồng, còn gà thả đồi phải nuôi tới 6 tháng. Nhưng bù lại gà thả đồi thịt thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng và giá cao hơn.
Ông Một cho biết: “Lúc ban đầu đưa ra thị trường, nhiều người cũng e ngại vì chưa biết gà mình chất lượng như thế nào. Tuy nhiên, khi đã dùng thử thì họ tin tưởng và đặt hàng mình ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, mới đây một thương lái đến đặt hàng để bán cho một nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Họ đã lấy mẫu gà của tôi gửi vào trong đó để xét nghiệm. Sau khi có kết luận an toàn thì họ đặt mua 100 con đầu tiên. Song hiện tôi chỉ còn 50 con để bán cho họ”.
Nhận thấy sức mua gà đồi ngày càng mạnh và đầu ra sản phẩm đã có, ông Một tiếp tục đầu tư nuôi thêm lứa gà mới khoảng 500 con. Bằng cách chăn nuôi gối đầu này, dường như tháng nào ông Một cũng có gà xuất bán và có thu nhập thường xuyên.
Tập trung phòng chống dịch, bệnh
Đến thời điểm này hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc tiêm phòng đợt II cho gia súc, gia cầm. Nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, việc đảm bảo an toàn vệ sinh chăn nuôi trong lúc này là hết sức cần thiết. Bởi nếu sơ suất thì họ dễ rơi vào cảnh trắng tay.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên cho biết: “Hiện nay không khí lạnh liên tiếp tràn về, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân. Do đó, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi che chắn chuồng trại, đảm bảo độ ấm và không nên chăn thả vật nuôi vào những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm, tránh gây thiệt hại về kinh tế vào thời điểm Tết đang đến gần”.
Ông Võ Văn Công – cán bộ khuyến nông – thú y thị trấn Sông Vệ cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của các cấp, chúng tôi đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; tập trung giám sát các trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi gia súc gia cầm tại địa phương. Chúng tôi cũng đã triển khai việc bơm thuốc tiêu độc khử trùng để phòng trừ dịch bệnh...”. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ, các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ bệnh cúm gia cầm, “heo tai xanh”, lở mồm long móng có thể tái phát trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết mưa, lạnh dễ gây dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên các hộ chăn nuôi cần giữ ấm, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Cán bộ thú y địa phương cần thường xuyên đến các nơi này để theo dõi và xử lý kịp thời nếu như có dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, các ngành chức năng cần phối hợp kiểm tra, xử lý và tiêu độc khử trùng các cơ sở giết mổ và xử lý nghiêm các nơi giết mổ tự phát, có nguy cơ gây bùng phát, lây lan dịch bệnh”.
H.HOA - Đ.DIỆU