Nông sản rớt giá: Nhiều nông dân lao đao

01:01, 13/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt thời gian dài, nông sản liên tục rớt giá, khiến nông dân rơi vào cảnh thua lỗ. Nhiều nông dân hy vọng vụ thu hoạch cuối năm sẽ gỡ lại, nhưng hiện giá thu mua nông sản lại thấp hơn, đã dập tắt hy vọng của họ.

TIN LIÊN QUAN

Giá mì, keo giảm mạnh

Mì và keo là hai cây trồng chủ lực ở miền núi Quảng Ngãi, nhưng giá bán hai loại nông sản này hiện đang giảm khá mạnh. Theo đó, giá mì bình quân chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg; keo chưa tới 1.000.000 đồng/tấn. Đơn vị thu mua lý giải nguyên nhân rớt giá là do giá sau chế biến xuất khẩu giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn. Ngoài ra, các nhà máy này còn phân loại mì, keo để đưa ra giá, trong đó loại 1 giá cao, nhưng áp vào thực tế thì mì, keo của nông dân khó lòng đạt được, mà đa phần đạt ở loại “hàng xô” giá thấp.

Người dân Ba Tơ thu hoạch mì.
Người dân Ba Tơ thu hoạch mì.


Tại Quảng Ngãi, hiện có nhiều nhà máy chế biến gỗ keo lâm vào tình trạng thua lỗ, không hoạt động, chờ chuyển nhượng nhà máy để trả nợ. Vì thế, việc thu mua gỗ keo của người dân, nhất là các huyện miền núi bị thu hẹp. Một số vùng núi cao xảy ra tình trạng “độc quyền thu mua”. Nhiều nông dân chờ đợi giá lên mới bán keo, nhưng càng đợi thì giá càng sụt giảm. Mặt khác, đường giao thông ở nhiều địa phương sau lũ bị hư hỏng, sạt lở khá nặng, đã đội giá tiền chuyên chở một xe keo, xe mì tăng cao hơn. Từ đó kéo thu nhập của nông dân xuống thấp.

Ông Phạm Văn Nót, thôn Làng Vờ, xã Ba Nam cho biết, nhà ông có hai rẫy keo diện tích bằng nhau, lượng keo thu được cũng tương đương nhưng một đám bán hồi mùa nắng gần 50 triệu đồng, còn đám mới đây chỉ bán được gần 40 triệu đồng. Sau khi trả tiền xe chuyên chở hết hơn 30 triệu và tiền công cho người đốn keo, ông chỉ còn 1,5 triệu đồng. Ông Nót mong Nhà nước sớm làm đường để giao thông thuận lợi, người dân bán keo được giá hơn.

Năm 2017, nhà máy chế biến gỗ keo thu hẹp, thị trường xuất khẩu khó khăn là nguyên nhân đẩy giá keo sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua. Riêng đối với củ mì tươi, đại diện các nhà máy chế biến tinh bột mì cho biết, dù tình hình chế biến xuất khẩu vẫn tăng nhẹ, nhưng do lượng tinh bột trong củ thấp, nhà máy phải áp giá thu mua ở mức thấp.

Nuôi heo, gà cũng lỗ

Sau một năm trời giá heo hơi luôn ở mức dưới 30.000 đồng/kg, khiến nhiều trang trại nuôi heo ở Quảng Ngãi gặp khó khăn. Một số trang trại đã bỏ chuồng, không tái đàn do càng nuôi càng thua lỗ. Hiện tại, giá heo hơi chỉ ở mức 25.000 - 28.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi chỉ huề vốn. Trong khi đó, tiêu chuẩn thu mua heo thịt của các cơ sở cung ứng heo trên thị trường càng ngày đòi hỏi cao hơn. Heo nuôi của các trang trại Quảng Ngãi chủ yếu đạt ở loại 2, loại 3, mức giá áp thấp hơn vài nghìn đồng so với giá heo loại 1.

Chủ các trang trại nuôi gà thả vườn hiện cũng đang than vãn về giá bán. Giá gà mua tại trang trại với số lượng lớn ở thời điểm này, vào khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, tùy vào trọng lượng. Ông Nguyễn Sáu, thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) là chủ cơ sở chăn nuôi gà thả vườn tập trung cho biết: “Với giá này, nuôi giỏi thì huề vốn. Nếu hộ nào xử lý dịch bệnh không tốt, tỷ lệ gà chết cao thì chắc chắn lỗ”.

Sau thời điểm mưa lũ là mùa giáp hạt, người dân miền núi trông vào tiền bán keo, mì để lo Tết. Người dân miền xuôi mong có chút tiền từ bán heo, gà để bù đắp khoản thua lỗ kéo dài cả năm và tái đàn. Thế nhưng, với giá cả bấp bênh do chủ yếu phụ thuộc vào thương lái đang dập tắt tia hy vọng của hàng ngàn hộ nông dân...


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.