(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 1.12.2015, tỉnh ban hành công văn chỉ đạo tạm ngừng việc phát triển tàu cá lưới kéo (giã cào) và nghề lặn, bao gồm cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ ngoài tỉnh về. Tuy nhiên, bên cạnh việc cấm, tỉnh cũng cần phải định hướng đi mới cho ngư dân hành nghề giã cào để họ có thể vươn khơi bám biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quảng Ngãi có 5.500 tàu, trong đó tàu đánh bắt giã cào có hơn 1.600 chiếc, chiếm 34%, chủ yếu ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), Phổ Thạnh (Đức Phổ). Khi lệnh cấm được ban hành, trong 2 năm (2016-2017), ngư dân đã từng bước chấp hành đúng quy định và không đóng mới thêm phương tiện giã cào. Tuy nhiên, đa số ngư dân đều cho rằng, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề.
Ngư dân Trương Hoài Phong (57 tuổi), ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An có thâm niên trong nghề giã cào cho biết: "Ở vùng biển Nghĩa An, nếu không làm nghề giã cào thì không biết làm gì. Mặc dù biết nghề này ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, dân biển phải làm nghề để kiếm sống".
Ngư dân mong tỉnh sẽ quan tâm, hỗ trợ khi họ chuyển đổi nghề giã cào sang nghề biển khác. |
Theo ngư dân ở các địa phương này, nghề giã cào, lưới kéo là nghề truyền thống từ bao đời nay cha ông để lại. Những lớp con cháu ở đây, đã quen với cách đánh bắt bằng hình thức này. Mỗi năm, hoạt động đánh bắt giã cào đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định, có tàu kiếm được từ 3 - 5 tỷ đồng/năm. Vậy nên, tàu thuyền hành nghề giã cào cứ ngày một tăng.
Anh Đỗ Văn Tân (36 tuổi), ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú, cho biết: "Tôi đã làm nghề này cả chục năm nay, giờ mà muốn chuyển đổi sang nghề khác rất khó. Bởi thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn. Vậy nên, nếu Nhà nước cấm hành nghề này thì cũng phải quan tâm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề, như cho vay vốn để đóng tàu, hỗ trợ kỹ thuật để chuyển sang nghề mới".
Khi lệnh cấm đóng mới phương tiện giã cào được ban hành, không chỉ ngư dân than khó, mà cả những xưởng đóng tàu thuyền ở Nghĩa An, Nghĩa Phú chuyên đóng tàu giã cào cũng rơi vào tình trạng không có hàng để làm. Nhiều thợ tàu phải đi những nơi khác để tiếp tục làm nghề. "Lệnh cấm của tỉnh khiến ngư dân không dám đóng mới tàu giã cào, nên tôi đưa 10 người thợ ra xưởng tàu ở Quảng Nam để tiếp tục làm việc. Tuy xa nhà, nhưng cũng phải chấp nhận", ông Hồ Minh Hải, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, chia sẻ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ngô Văn Hưng, cho biết: Nghề giã cào nếu dừng từ 2, 3 tháng thì môi trường biển sẽ được tái tạo lại, nguồn lợi thủy sản sẽ được phục hồi. Trong năm 2017, Chi cục đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh thu hồi 3 giấy phép hoạt động của 3 tàu thuyền hoạt động trái phép.
Tuy nhiên, việc dừng triệt để trong hoạt động đánh bắt giã cào là điều rất khó. Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn quy định cấm đóng mới tàu giã cào. Nhưng đối với những tàu vẫn đang hoạt động, thì không thể cấm triệt để. Nếu muốn dừng phải có sự thống nhất từ phía người dân. "Chúng tôi chỉ có thể cấm phát triển thêm tàu, chứ không thể nào cấm những tàu đang hoạt động.
Hiện chi cục cũng đang lên kế hoạch về định hướng nghề nghiệp, dạy nghề cho ngư dân khi họ có nhu cầu. Chi cục sẽ mở lớp dạy nghề lưới rê, lưới câu cho những ngư dân đang hoạt động đánh bắt giã cào, hoặc những ngư dân trẻ có ý định chuyển đổi nghề nghiệp", ông Hưng cho biết thêm.
Bài, ảnh: Đ.SƯƠNG