(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, đi về các làng nghề truyền thống trong tỉnh, không khí lao động nhộn nhịp hẳn lên. Tất cả đang hối hả bước vào vụ sản xuất, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa để phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến.
Nhộn nhịp vào vụ
Mặc dù những ngày qua mưa và lạnh kéo dài, nhưng hàng chục hộ dân làm nghề bánh tráng mỏng tại xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vẫn miệt mài với công việc. Mỗi người một công đoạn từ xay bột đến tráng bánh, rồi phơi, sấy, đóng gói...
Làng nghề bánh tráng Hành Trung hoạt động hết công suất, để đáp ứng nhu cầu của thị trường Tết. |
Nghề làm bánh tráng mỏng làm quanh năm. Thế nhưng, cứ mỗi độ cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, nên làng nghề phải hoạt động hết công suất. Nhờ vậy, nhiều lao động tại địa phương có việc làm, có tiền trang trải cho những ngày Tết.
Ông Võ Bảo, một trong những người gắn bó lâu năm với nghề làm bánh tráng ở xã Hành Trung, cho biết: “Trước đây, tôi làm bánh tráng theo cách thủ công, nhưng nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, nên quyết định mua máy để phục vụ cho nghề, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động”.
Trung bình mỗi ngày lò bánh tráng của ông Bảo cho ra 10 - 15 thiên bánh. Riêng những tháng cuối năm, lượng bánh có thể tăng lên gấp đôi. Bánh tráng mỏng của ông Bảo không chỉ bán ở trong tỉnh, mà còn xuất đi khắp các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Bởi ưu điểm của bánh làm bằng máy là đều bánh, không bị chỗ dày, mỏng, lại để được lâu hơn bánh truyền thống.
Ngược lại, làm bánh tráng mỏng bằng tay tuy tốn nhiều công, năng suất thấp, nhưng so với bánh làm bằng máy thì giá cả cao hơn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Vy, người đã có hơn chục năm gắn bó với nghề làm bánh tráng, chia sẻ: “Nếu như ngày bình thường, mình chỉ làm một buổi, thì gần Tết phải nâng “công suất” lên một ngày. Nghề này tuy không cho thu nhập cao, nhưng nhờ nó mà có tiền chi tiêu mỗi ngày. Đặc biệt là thời điểm cuối năm, đơn đặt hàng tăng, giá bánh cũng tăng, nên thu nhập của người dân làm nghề bánh tráng cũng cao hơn...”.
Dù đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất đông xuân, bộn bề với nhiều công việc đồng áng, nhưng người dân làng nghề chổi đót, chổi dừa, làm nhang vẫn hoạt động hết công suất để có hàng giao cho thương lái. Đối với họ, đây là giai đoạn vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất vì hàng bán chạy nhất trong năm.
Mùa “đỏ lửa”
Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, những lò bánh, mứt truyền thống trong tỉnh lại bước vào một mùa “nổi lửa” mới. Khắp làng, từ đầu trên đến xóm dưới không khí luôn tất bật. Mọi người đều tất bật để nhanh chóng cho ra lò những mẻ bánh, mứt phục vụ người dân gần xa đón Tết.
Gắn bó gần nửa đời người với nghề làm bánh mì xốp, năm nay ông Tạ Minh Thuận, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) bắt tay vào vụ làm bánh Tết sớm hơn mọi năm. Mỗi ngày, ông Thuận đưa ra thị trường khoảng 4.000 chiếc bánh mì xốp. Tuy nhiên, dịp gần Tết, số lượng tăng lên 7 – 8 nghìn chiếc/ngày.
Để có đủ bánh cung cấp cho bạn hàng, ông Thuận phải huy động hết các thành viên trong gia đình và thuê thêm người làm. “Những năm gần đây, bánh truyền thống đã được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Tuy bánh truyền thống không đa dạng, bắt mắt, nhưng được cái đảm bảo chất lượng”, ông Thuận lý giải.
Còn tại lò bánh thuẫn của ông Bùi Đình Phùng, thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) những ngày này cũng luôn “đỏ lửa” từ mờ sáng đến chiều tối. Bánh thuẫn của ông Phùng mang một hương vị đặc trưng. Nhờ vậy mà trong các hội thi làm bánh truyền thống, bánh thuẫn của ông Ba Phùng luôn được đánh giá cao.
Dù người dân ở các làng nghề trong tỉnh, đã và đang sống được với nghề, nhưng về lâu dài vẫn cần được các cấp chính quyền định hướng, hỗ trợ để họ xây dựng được thương hiệu riêng. Chỉ khi nào được công nhận là sản phẩm độc quyền, có nhãn hiệu được bảo hộ thì khi đó các mặt hàng truyền thống của địa phương mới có cơ hội phát triển.
Bài, ảnh: HỒNG HOA