Kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch: Sân chơi còn bỏ ngỏ

09:12, 22/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Việc người tiêu dùng quay lưng với thực phẩm bẩn và tìm đến thực phẩm an toàn đã giúp cho thị trường nông sản an toàn có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, muốn tồn tại lâu dài thì cần phải có một quy trình sản xuất khép kín, sự liên kết và sản xuất theo chuỗi, đặc biệt phải có sự đầu tư và quy mô sản xuất lớn.

Theo quy định của ngành chức năng, thực phẩm sạch là sản phẩm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; không bao gồm vi sinh vật biến đổi gien; không được chế biến sử dụng các dung môi công nghiệp, tia phóng xạ và không chứa chất phụ gia thực phẩm hóa học.

 

Người sản xuất, nuôi trồng cũng phải được tập huấn kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất. Cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch phải đảm bảo đủ các điều kiện về địa điểm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung ứng với cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; sản phẩm sạch phải có bao bì, nhãn mác và niêm phong theo quy định... 

Chính những yêu cầu khắt khe trên đang khiến mô hình kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch chỉ là “sân chơi” của các doanh nghiệp và người nông dân dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Hiện người dân áp dụng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn là rất khó khăn, vì thế, họ mong muốn tìm được đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, đến lúc đó giá trị sản phẩm mới đem lại lợi nhuận tương ứng với công sức bỏ ra. 

Các sản phẩm mang chứng nhận thực phẩm đảm bảo ATVSTP nếu không ký được hợp đồng cung ứng ổn định với các đơn vị phân phối, chế biến thì khó cạnh tranh về giá cả với sản phẩm khác ngoài thị trường tự do.
 
Không chỉ có người sản xuất gặp khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm muốn có nguồn hàng ngay tại địa phương để phân phối bán lẻ, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, vừa dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm khi có nghi vấn nhưng cũng không thực hiện được do hầu hết các cơ sở sản xuất đều không đáp ứng được các yêu cầu về việc xuất trình giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP kèm theo sản phẩm
 
Theo số liệu khảo sát cho thấy, hiện tỉ lệ nông sản an toàn đạt theo tiêu chuẩn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Trên cả nước hiện mới chỉ có 280 mô hình thực hiện được theo chuỗi sản xuất an toàn từ đầu vào đến đầu ra, trong số đó đa phần các doanh nghiệp lớn và HTX, còn cá nhân người dân thì gần như vắng bóng.
 
Thực tế thị trường thực phẩm sạch vẫn đang tồn tại tình trạng người tiêu dùng cần nhưng khó mua được thực phẩm sạch, trong khi người sản xuất có lại khó bán sản phẩm, gây thiệt thòi cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Trên thị trường tự do người tiêu dùng không có căn cứ để phân biệt sản phẩm an toàn, người bán hàng trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hoặc tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để kiếm lời.
 
Trên thị trường, việc sản xuất rau an toàn đang được các tập đoàn kinh tế lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Sun Group, VinGroup, Vissan… chú trọng đầu tư phát triển. Theo các chuyên gia, bởi họ có vốn và đầu tư bài bản theo chuỗi từ khâu sản xuất đến đầu ra sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, vì thế mô hình sản xuất của họ khá thành công.
 
Tuy nhiên, với các hộ sản xuất nhỏ lẻ lại khác, họ không chỉ thiếu quỹ đất, thiếu vốn mà thực trạng các sản phẩm nông sản an toàn của họ làm ra như: Rau, gạo, chè… cũng khó tiêu thụ bởi không có đầu mối đưa đến tay người tiêu dùng. Đây cũng chính là lý do khiến việc sản xuất theo chuỗi của người dân khó thành công.
 
Để tạo điều kiện cho sản xuất và lưu thông sản phẩm sạch, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về phía các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch cần chủ động liên kết hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm, cung ứng ra thị trường với giá cả ổn định, thông qua mô hình cửa hàng chuyên doanh giới thiệu và cung ứng sản phẩm sạch của cơ sở.
 
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành cần tăng cường công tác quản lý về nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm hàng hóa để đảm bảo quyền, lợi ích cho các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.
 
PV

.