(Báo Quảng Ngãi)- Sự ra đời của gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch là một cú huých lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai gói tín dụng này còn nhiều rào cản, khiến các ngân hàng chưa giải ngân được nhiều, trong khi DN hoạt động trong lĩnh vực này lại khát vốn.
Khởi động trầm lắng
Đầu năm 2017, Chính phủ công bố gói 100 nghìn tỷ đồng dành cho NNCNC. Theo đó, các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank tiên phong thực hiện chủ trương tín dụng NNCNC. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần như LienVietPostBank, Bắc Á... cũng xây dựng nguồn vốn cho gói tín dụng NNCNC.
Dù nhiều ngân hàng dành nguồn vốn cho gói tín dụng NNCNC, nhưng thực tế đa số DN chưa thể và chưa biết cách tiếp cận gói tín dụng này. Đối với Quảng Ngãi, việc triển khai gói tín dụng NNCNC khá trầm lắng.
Sản xuất rau an toàn thụ hưởng tín dụng ưu đãi về nông nghiệp sạch. |
Giám đốc LienVietPostBank Quảng Ngãi Lê Thanh Nghị, cho biết: “Đối với chương trình cho vay NNCNC, LienVietPostBank đã triển khai trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, trên địa bàn Quảng Ngãi hiện chỉ có một khu NNCNC tại KKT Dung Quất, nhưng chưa có DN đầu tư vào đây. Còn các địa phương khác cũng chưa có khách hàng. Nếu dự án bò sữa của Vinamilk đầu tư vào Mộ Đức triển khai thì có khả năng đầu tư vốn được”.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Agribank Quảng Ngãi cam kết cho một DN vay 40 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN này cũng đầu tư trồng nấm sạch tại tỉnh khác, chứ không phải tại Quảng Ngãi. Như vậy, hiện chưa có DN nào đầu tư vào lĩnh vực NNCNC, nông nghiệp sạch tại Quảng Ngãi tiếp cận được nguồn vốn này.
Ngân hàng cũng gặp khó
Thực tế, Quảng Ngãi có tiềm năng về phát triển NNCNC. Điều này thể hiện qua nhiều dự án xin đầu tư tại địa phương. Đồng thời, cũng đã có một số DN đóng chân trên địa bàn thực hiện sản xuất theo hướng NNCNC, nông nghiệp sạch như Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe. Vậy tại sao các DN này vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn theo gói 100 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện các ngân hàng cho rằng, vốn ngân hàng luôn sẵn sàng, khó khăn nhất là tìm được những dự án khả thi. Trong khi đó, các DN lại cho rằng, ngân hàng không muốn cho vay, nên đòi hỏi đủ thứ thủ tục.
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Phạm Thị Thúy Kiều, khẳng định: “Không phải ngân hàng không cho vay hay làm khó DN, mà là do quy định. Do đó, các ngân hàng kiến nghị với cơ quan nhà nước khi đưa ra chương trình gì khuyến khích DN phát triển, thì phải dựa vào thực tiễn. Còn nếu đưa ra cao quá, sẽ không áp dụng được”.
Một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai gói tín dụng nông nghiệp sạch bị vướng, là do chưa có tiêu chí cụ thể xác nhận đâu là nông nghiệp sạch để cho vay ưu đãi. Trong khi gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng là tín dụng thương mại. Nông nghiệp lại là lĩnh vực rủi ro cao. Do vậy, việc ngân hàng lo ngại về hiệu quả đầu tư là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều DN, khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mắc về chứng nhận tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng. Bởi tài sản của các DN ứng dụng NNCNC chủ yếu là nhà lưới, nhà kính... song những tài sản và chi phí này hiện chưa được tính vào giá trị đảm bảo của khoản vay và danh mục tài sản thế chấp.
Để tháo gỡ các vướng mắc trên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ sửa đổi quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để mở rộng đối tượng khách hàng vay vốn theo chương trình.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ TN&MT xem xét, sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng. Như vậy, một khi các “nút thắt” trên được tháo gỡ thì cho vay NNCNC mới có cơ hội giải ngân.
Bài, ảnh: HỒNG HOA