(Baoquangngai.vn)- Mỗi năm anh Công thả nuôi gần 5.000 con gà với khoản lãi hơn 50 triệu đồng. Đặc biệt, anh không sử dụng kháng sinh và thuốc tăng trọng, thời gian thả nuôi lâu mới xuất bán nên thịt dai và thơm ngon.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nuôi ít cho thu nhập cao
Sau hơn 10 năm mưu sinh ở Đắk Lắk, anh Nguyễn Văn Công (38 tuổi, ở thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ) đưa vợ và hai con nhỏ về quê chung sống với mẹ già. Ở quê chỉ trông vào 2,5 sào ruộng bạc màu nên anh xin vào phụ việc cho dịch vụ nấu tiệc thuê với mức thu nhập không ổn định. Sau đó, anh bàn với vợ xây dựng chuồng trại nuôi gà cung cấp cho các dịch vụ nấu cỗ. Lứa đầu tiên anh thả nuôi 50 con với bao hy vọng lẫn âu lo.
Anh Công đang cho gà ăn. |
Vốn từng là người lính Sư đoàn 2, Quân khu 5, anh Công chịu khó tìm hiểu sách báo và học hỏi nhiều người kỹ thuật chăm sóc gà. Nhờ được chăm nom kỹ lưỡng nên đàn gà anh chóng lớn trước sự mừng vui của cả gia đình. Sau đó, anh tăng dần số lượng gà và thả nuôi xen kẽ với mỗi lứa từ 400 – 1.200 con. Vì vậy, anh luôn có gà thịt xuất bán theo yêu cầu của khách hàng.
Mỗi năm, anh thả nuôi gần 5.000 con với thời gian 5 tháng mới bắt đầu xuất bán. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. “Số lượng thả nuôi ít nên không tốn nhiều công sức mà lãi như vậy cũng tạm ổn. Thời gian rảnh rỗi tôi có thể làm những việc khác kiếm thêm thu nhập và lo cho gia đình” - anh bộc bạch.
Không sử dụng kháng sinh và thuốc tăng trọng
Khi còn phụ việc cho dịch vụ nấu thuê tiệc cưới, anh Công thường nghe thực khách phàn nàn “thịt gà bở rẹc và không thơm ngon”. Qua tìm hiểu, anh phát hiện đấy là những con gà được nuôi bằng cám công nghiệp cùng thuốc tăng trọng với thời gian thả nuôi chỉ khoảng 3 tháng. Vì thế khi nuôi gà, anh nhất quyết “nói không” với thuốc tăng trọng và chỉ sử dụng cám công nghiệp 1,5 – 2 tháng đầu thả nuôi.
Sau đó, anh chuyển sang cho gà ăn cám gạo, lúa, bắp và cỏ để tăng thêm chất tươi. Nền chuồng được anh trải đệm lót sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh. Với đàn gà con vừa thả nuôi, trong 5 ngày đầu tiên, anh thắp đèn điện sưởi ấm và dùng vắc xin theo hướng dẫn của nhân viên thú y.
Anh Công kiểm tra gà lai Đông Tảo. |
Thời gian sau, anh sử dụng dung dịch TACA P cho gà uống để bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh. Vì vậy, tỷ lệ gà hao hụt chỉ khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với những hộ nuôi dùng kháng sinh. Với những khu chuồng trại khá rộng nên đàn gà của anh Công tự do ăn uống, bay nhảy. Sau 5 tháng thả nuôi, anh xuất bán với trọng lượng mỗi con từ 2,3 – 3kg.
“Sau 3 – 3,5 tháng gà chỉ ăn toàn cám gạo, lúa, bắp và cỏ cùng với việc được bay nhảy nên thịt dai và thơm ngon. Giờ có nhiều người đến mua về cúng giỗ trong gia đình. Có người ở tận Sài Gòn điện thoại về quê bảo người thân đến mua gà rồi làm sạch đóng thùng gửi vào trong đó” – anh cho biết.
“Gà chú Công cho ăn chủ yếu bằng lúa, cám gạo cùng với bắp lại được thả trong khu vườn khá rộng nên thịt dai và rất thơm ngon. Dù giá bán có cao hơn chút đỉnh so với nơi khác nhưng tôi vẫn mua gà của chú ấy để bán lẻ và bỏ mối cho dịch vụ nấu đám cưới. Bởi vì, gà của chú ấy được khách mua khen ngon nên mình phải đáp ứng thôi. Nếu mua gà ở những nơi khác rồi bán lại sợ mất mối” – tiểu thương Đỗ Thị Năm, ở thị trấn Đức Phổ, cho biết.
Trong vườn nhà, anh Công còn thả nuôi hơn 20 con gà lai Đông Tảo phát triển khá tốt, dự tính xuất bán vào dịp tết sắp đến. Khi hỏi sao không nuôi gà Đông Tảo thuần chủng, anh mỉm cười lắc đầu: “Giá gà Đông Tảo thuần chủng cao quá, sợ không ai mua nên nuôi gà lai thôi. Nếu thịt gà lai được nhiều người ưa chuộng thì tôi sẽ tăng số lượng thả nuôi để đáp ứng nhu cầu của bà con”.
Trang Thy