Gian nan bảo tồn động vật biển quý hiếm

03:11, 02/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài động vật biển quý hiếm vẫn diễn ra.

Để ngăn chăn tình trạng buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ rùa biển, trong hai năm 2016-2017, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới thành lập các nhóm tình nguyện viên tập huấn, phổ biến kiến thức và cung cấp cho ngư dân, chủ vựa buôn bán hải sản danh mục các loài động vật biển hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn; tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng “nói không” với các sản phẩm được chế biến từ các loại động vật biển quý hiếm...

Nhờ sự thay đổi nhận thức của ngư dân cũng như các chủ vựa buôn bán hải sản, mà theo thống kê của BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn, trong hai năm 2016-2017, đã có 13 cá thể rùa biển được thả về môi trường biển.  
   

Hình ảnh tuyên truyền bảo vệ rùa biển được các nhóm tình nguyện viên cung cấp cho ngư dân, chủ vựa buôn bán hải sản và người tiêu dùng.
Hình ảnh tuyên truyền bảo vệ rùa biển được các nhóm tình nguyện viên cung cấp cho ngư dân, chủ vựa buôn bán hải sản và người tiêu dùng.


Tuy nhiên, không phải lúc nào ngư dân hoặc chủ vựa buôn bán hải sản cũng tình nguyện thả rùa biển về lại môi trường biển. Mới đây, tại huyện Lý Sơn, cán bộ của BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã phát hiện một vụ giết mổ rùa biển, nhưng vì thiếu trang thiết bị nên chỉ biết... đứng nhìn! Trong khi đó, một ngư dân ở địa phương này cũng đang nuôi hai cá thể rùa biển, nhưng vẫn bất hợp tác với ngành chức năng trong việc thả về môi trường tự nhiên.
 

Rùa biển có 5 loại gồm: Vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quảng đồng và rùa da. Trong đó, đối tượng bị săn bắt, buôn bán và tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là vích, đồi mồi. Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì rùa biển là đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng và nghiêm cấm các hoạt động săn bắt, buôn bán và tiêu thụ.

Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn cho biết: Đối tượng bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là rùa biển. Tại xã Bình Châu (Bình Sơn) và huyện Lý Sơn, tình trạng giết mổ rùa biển xảy ra khá nhiều. “Người dân cho rằng món ăn từ rùa biển rất giàu dinh dưỡng, lại chữa được nhiều bệnh, nên khi bắt được, họ lén lút giết mổ hoặc buôn bán”, ông Toàn cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ rùa biển rất khó kiểm soát, vì đối tượng chỉ cung ứng sản phẩm cho mối quen thân hoặc trực tiếp giết mổ để phục vụ nhu cầu bản thân, gia đình. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật biển hoang dã, quý hiếm bị xử lý khá nhẹ, vì vậy, nhiều người biết sai, nhưng vẫn cứ vi phạm.

Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn cho rằng, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý để bảo tồn hiệu quả tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng, đồng thời công khai thông tin về các vụ vi phạm về bảo vệ loài nguy cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm trong khai thác, vận chuyển, buôn bán.

“Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về cứu hộ, tái thả các loài về tự nhiên, giám định, nhận dạng loài. Huy động các nguồn lực nhằm thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế và pháp luật quốc gia về bảo tồn các loài hoang dã thông qua các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu”, ông Toàn đề xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.