Cuối giờ chiều nay (30/11), Bộ Công Thương đã chính thức công bố mức tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2017. Mức giá mới được điều chỉnh là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622 đồng/kWh).
|
Sau 3 năm không tăng giá, giá điện tăng ngay từ đầu tháng 12/2017 |
Cụ thể, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017 thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh là từ 1/12/2017.
Việc tăng giá điện lần này, theo một số chuyên gia kinh tế là có thể dự đoán được do đã gần 3 năm giá điện chưa tăng, kể từ thời điểm tháng 3/2015. Điều này có thể gây nên mất cân bằng tài chính cho EVN và khó thu hút vốn đầu tư phát triển nguồn điện mới.
Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.
Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.
Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.
Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng (chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực, v.v.).
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 gồm: Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Công ty mẹ;Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng.
Ngoài ra, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỷ đồng.
Giá bán lẻ điện bình quân hiện đang ở mức 1.622 đồng/kWh (từ năm 2015 đến nay). Tại cuộc họp tổ điều hành giá do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hôm 8/11, đại diện Bộ Công thương cho hay Bộ này đã có phương án điều chỉnh giá điện và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ.
Phương án vừa được đại diện Bộ Công thương báo cáo tại cuộc họp đó là giá điện có thể tăng 6,08%. Trước đó, tại cuộc họp điều hành giá giữa tháng 10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó đã yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ xem xét phương án điều chỉnh giá điện bảo đảm hài hòa giữa khuyến khích đầu tư sản xuất điện và hạn chế tác động tới tiêu dùng và đời sống nhân dân.
Nhận xét về vấn đề tăng giá điện của Việt Nam, ông Franz Genner,Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói rằng: "Chúng ta đã nhìn nhận được nguy cơ thiếu điện trong tương lai. Thách thức ở đây là nhu cầu điện cần tăng 10%/năm và cần tăng công suất điện, và phải phát triển thêm nguồn nhiệt điện".
"Thách thức nữa là các nhà máy nhiệt điện phải dựa vào nguồn than nhập khẩu, một vấn đề nữa là phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điều này rất quan trọng để Chính phủ và nhà đầu tư. Nếu không phát triển điện mặt trời thì có nghĩa là cần thêm than. Và điều này lại quay lại vấn đề về giá điện, chi phí giá điện", ông này nói.
Cũng theo ông Franz Genner, với giá 7,6 cent/KWh (trước thời điểm tăng giá điện ngày 1/12), sẽ rất khó thu hút đầu tư vào nguồn điện vì giá điện 7,6 cent/KWh này đủ để đáp ứng chi phí vận hành, bảo trì của EVN.
"Nếu quan tâm tới biểu giá điện đầy đủ, tới năm 2030 phải tăng giá điện thêm 40%. Nếu không làm điều đó thì cần sự trợ giúp rất nhiều từ nhà tài trợ, doanh nghiệp. Nếu không sẽ không đủ tài chính cho các dự án điện", ông Franz Genner nói.
Theo chuyên gia của WB: "Chúng tôi đã có phân tích về việc tăng giá điện với hộ nghèo, vùng sâu và với biểu giá bậc thang, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ không phải là vấn đề nếu tăng giá điện. Và với các cơ quan phát triển, với những gia đình sử dụng hơn 10% để trả tiền điện. Chúng tôi dự kiến với mức tăng dự kiến thì hộ gia đình sẽ phải trả 4-5% thu nhập cho tiền điện". Ông này cho rằng, tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người khó khăn nếu chúng ta kết hợp việc tính giá điện bậc thang và những hỗ trợ từ Chính phủ.
Phương Dung/Dân trí