Xuất khẩu 9 tháng, những con số kỷ lục và những vấn đề cần lưu ý

10:10, 03/10/2017
.

Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhập khẩu. Đáng chú ý, trong 9 tháng, Việt Nam nhập nhiều linh kiện của Hàn Quốc để làm hàng điện tử xuất khẩu.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21%.

Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; dệt may đạt 19,3 tỷ USD, tăng 8,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8%; giày dép đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,3 tỷ USD, tăng 30,1%; thủy sản đạt 6 tỷ USD, tăng 19,2%...

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 31,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu giày dép tăng 15,7%; dệt may tăng 8,1%. Tiếp đến là EU đạt 28,4 tỷ USD, tăng 15,8%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24,2%; giày dép tăng 14,7%; điện thoại và linh kiện tăng 13,5%.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD, là thị trường có tốc độ tăng cao nhất với 44,7%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 88,5%; rau quả tăng 60%...

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm nay, hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 76,8 tỷ USD, tăng 24,3% và chiếm 49,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2016); nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 56,8 tỷ USD, tăng 14,8% và chiếm 36,8% (giảm 1,6 điểm phần trăm); nhóm hàng nông, lâm sản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,9% và chiếm 9,4% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và hàng thủy sản đạt 6 tỷ USD, tăng 19,2% và chiếm 3,9% (cơ cấu không đổi so với cùng kỳ năm 2016).

Nếu tính riêng trong tháng 9, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước nhưng tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.

Việc kim ngạch xuất khẩu tăng cao khá có môi liên hệ chặt chẽ với việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cao kỷ lục. Cụ thể, tới ngày 20/9 có 14,6 tỷ USD đăng ký mới, tính cả số vốn điều chỉnh đầu tư tăng thêm 6,8 tỷ USD thì tổng mức đăng ký là tăng 21,7% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng là 12,3 tỷ USD tăng 15%.

Nhập khẩu nhiều tư liệu sản xuất từ Hàn Quốc

Ở chiều ngược lại, tính chung 9 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27 tỷ USD, tăng 32,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,8 tỷ USD, tăng 28,3%; điện thoại và linh kiện đạt 10,7 tỷ USD, tăng 41,3%...

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 24,7%; điện thoại và linh kiện tăng 20,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,9%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 33,9 tỷ USD, tăng 46,5%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 113,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45,9%...

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9 ước tính xuất siêu 400 triệu USD, tính chung 9 tháng năm 2017 nhập siêu 442 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,08 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,64 tỷ USD.

Đáng lưu ý là nhập siêu từ Hàn Quốc 9 tháng năm 2017 lên tới 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là nhập siêu từ Trung Quốc với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6%; nhập siêu từ ASEAN là 4,6 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, những đầu tư về sản xuất điện thoại của Tập đoàn Samsung đóng góp tỉ lệ khá lớn và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh đó các doanh nghiệp khu vực FDI là động lực lớn để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc gia tăng chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng với những điều chỉnh chính sách của một số nền kinh tế lớn đã tác động đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia cho rằng, cần lưu ý vấn đề nhập siêu gia tăng ở một số quốc gia và lĩnh vực. Việc nhập khẩu lượng lớn linh kiện cũng thể hiện là việc tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu chưa nhiều, hay giá trị mà phía Việt Nam hưởng lợi trên một sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Ngoài ra, dù FDI là động lực quan trọng nhưng về lâu dài cần chú ý để tránh quá phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp cần gia tăng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh hàng hoá trong nước, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sắp có hiệu lực.

Chính phủ cũng nhận thức đầy đủ những khó khăn và đặc biệt chú trọng vấn đề nâng cao hiệu quả thương mại quốc tế của Việt Nam. Nghị quyết phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan, thời gian tới, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, cấp chứng nhận xuất xứ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu, nắm bắt kịp thời cơ hội sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cần kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Việt Nam cần duy trì và tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường như Trung Quốc… Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại, với những thay đổi chính sách của nước nhập khẩu áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam.
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn

 


.