Tiếp sức ngư dân trong vụ cá chướng

10:10, 29/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kết thúc vụ cá chính (vụ cá Nam), ngư dân trong tỉnh đánh bắt đạt kết quả khả quan cả về sản lượng lẫn giá bán. Điều này đã tạo động lực để họ vượt khó, bước vào vụ cá chướng (vụ cá Bắc).
 
Theo đại diện Sở NN&PTNT,  bên cạnh năng lực đánh bắt, thì sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân tăng, là do đội tàu khai thác xa bờ tiếp tục được đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất.

Vụ chính được mùa

Những ngày qua, tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn), nhiều tàu khai thác xa bờ liên tục cập bờ với khoang đầy hải sản. “Hai phiên biển vừa rồi, nhiều tàu câu mực trúng, giá bán lại cao, nên anh em phấn khởi. Vì thế, chúng tôi tranh thủ để đi phiên biển cuối năm”, ngư dân Nguyễn Ngọc Quý, ở xã Bình Chánh cho biết.
 

 

Mực xà tăng giá mạnh, nên ngư dân hành nghề câu mực khơi có thêm thu nhập.
Mực xà tăng giá mạnh, nên ngư dân hành nghề câu mực khơi có thêm thu nhập.

Theo ông Quý, vụ cá chính vừa qua, nhiều tàu hành nghề câu mực khơi đạt sản lượng khá. Đặc biệt, sau nhiều năm rớt giá, mực xà năm nay bất ngờ tăng giá mạnh, có thời điểm 120.000-140.000 đồng/kg, nên nhiều tàu đạt doanh thu tiền tỷ.

Trong khi đó, ngư dân hành nghề lưới rê cũng vui vì trúng mùa được giá. Tuy có lúc bị thương lái ép giá, nhưng theo nhận định của nhiều ngư dân, vụ cá chính năm nay vẫn “no” hơn năm trước, nhờ sản lượng khai thác tăng. “Nhiều tàu liên tục trúng mùa, ngư dân chỉ cập cảng bán cá, nạp nhiên liệu rồi vội vươn khơi...”, ngư dân Nguyễn Cang, ở xã Bình Châu cho biết.   

Tiếp sức ngư dân

Điều kiện thời tiết bất lợi, là thách thức lớn với ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trong vụ cá chướng. Nguyên nhân là do mưa, bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng bất thường. Đặc biệt là sự xuất hiện của gió mùa đông bắc. “Về cường độ ảnh hưởng, gió mùa đông bắc ít nguy hiểm hơn mưa, bão; nhưng về mức độ thiệt hại thì lại lớn, vì ngư dân bị “đánh lừa”, mải đuổi theo đàn cá, nên rất dễ gặp nạn”, ngư dân Phạm Tấn Vân, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lý giải. Theo ông Vân, gió mùa đông bắc xuất hiện thường mang theo các loại hải sản. Vì vậy, ngư dân mải mê khai thác nên rất dễ lọt vào vùng tâm gió và trở tay không kịp, khi gió đột ngột đổi hướng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất với ngư dân vẫn là giá bán hải sản biến động bất thường. Giá bán hải sản vụ cá chướng thường cao, do sản lượng giảm. Dù vậy, vụ cá chướng năm 2016-2017, nhiều ngư dân cũng điêu đứng vì bị thương lái chèn ép, giảm đến 2-3 giá. Thậm chí, có lúc thương lái còn phân loại sản phẩm theo kích thước, trọng lượng, độ tươi... khiến ngư dân khốn đốn.

Trong vụ cá chướng 2017-2018, toàn tỉnh phấn đấu đạt sản lượng khai thác trên 75 nghìn tấn hải sản. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngư dân, các ngành chức năng cũng đã “tiếp sức” bằng cách thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ. Trong đó, thực hiện Nghị định 67, đến thời điểm này số tàu cá đã hoàn thành thi công, được cấp phép đi vào sản xuất là 41 chiếc. Số lượng tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia hoạt động trên vùng biển xa là 1.215 chiếc.

Đối với Quyết định 48, trong 9 tháng đầu năm 2017, liên Sở NN&PTNT và Tài chính trình UBND tỉnh hỗ trợ đợt 1 cho 860 hồ sơ tàu cá của ngư dân sản xuất trên các vùng biển xa, với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng; đang trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 2 là 982 hồ sơ, với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng và đang xử lý đợt 3 là 1.050 hồ sơ. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản cũng đã lắp đặt, hướng dẫn ngư dân sử dụng máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh và cấp mã số quản lý cho 1.330 tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa; lắp đặt bổ sung 1 trạm bờ thông tin liên lạc mới, nhằm khắc phục tình trạng quá tải hiện nay.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.