(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu Quảng Ngãi đặt ra trong Chương trình xúc tiến đầu tư, giai đoạn 2017 – 2020, là thu hút nhiều dự án lớn, quan trọng, tạo sự lan tỏa trong đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế- xã hội của tỉnh.
Khai thác lợi thế cảng biển nước sâu
Một trong những định hướng chiến lược trong việc thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, giai đoạn 2017 – 2020, là khai thác tối đa lợi thế của cảng biển nước sâu và siêu sâu, phát triển KKT Dung Quất đúng định hướng quy hoạch, là trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, là thành phố công nghiệp.
Quảng Ngãi đang khai thác lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất để tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động nhập dầu thô tại NMLD Dung Quất. |
Theo đó, đối với KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, tập trung thu hút các dự án lọc hóa dầu, điện – khí, các dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn, có nhu cầu gắn với cảng nước sâu và siêu sâu; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp nhẹ sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng thu hút các dự án dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ vận tải hàng hóa, nhằm phát triển KKT Dung Quất trở thành trung tâm dịch vụ cảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của KKT.
Bên cạnh đó, tập trung thu hút các dự án thuộc các ngành sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất, hàng dân dụng, điện tử, lắp ráp cơ khí, thiết bị vận tải, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu... Còn đối với Khu phức hợp CN-ĐT&DV VSIP thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nhẹ, sạch, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến.
Riêng đối với các khu vực ngoài KKT và các KCN, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, dự án phát triển đô thị, các khu dân cư, nhà ở xã hội, dự án về y tế, giáo dục, các dự án công nghiệp chế biến nông sản... Qua đó, tạo vành đai cung cấp dịch vụ, nguyên liệu cho KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
Giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh ta đề ra mục tiêu thu hút 2,5 - 3,5 tỷ USD vốn đầu tư trong, ngoài nước vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Riêng các địa bàn khác thu hút khoảng 15.000 tỷ đồng (750 triệu USD). |
Chú trọng đối tác tiềm năng
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, để tăng cường thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, nhất là các nhà đầu tư FDI, cần tập trung thu hút đầu tư các đối tác tiềm năng đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và mở rộng sang EU, Mỹ. Những nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp tỉnh kết nối và xúc tiến đầu tư vào Quảng Ngãi như: Tập đoàn Doosan; Tập đoàn Sembcorp (Singapore), Công ty VSIP; Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ); Tập đoàn J-Power (Nhật Bản); Tập đoàn JK (Ấn Độ); Tập đoàn KICOX (Hàn Quốc); Công ty CP Kizuna Quảng Ngãi; Tập đoàn Foster (Nhật Bản); Tập đoàn Sumida (Nhật Bản); Tập đoàn CP, Central (Thái Lan); ông Ryu Hang Ha– Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam...
Còn đối với nhà đầu tư trong nước, cần tìm hiểu nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp VNR 500 (nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) và gửi đến các DN này danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh để mời gọi đầu tư. Điển hình là các nhà đầu tư như: Tập đoàn Vigroup, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn; Tập đoàn Mường Thanh; Tập đoàn Sungroup, FLC, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN phía Bắc, phía Nam, Công ty CP Đường Quảng Ngãi; Tổng Công ty Saigontouris; Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh; Hiệp hội thủy sản Việt Nam...
Nhiệm vụ đặt ra
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, thời gian đến tỉnh sẽ tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và từng bước lấp đầy các dự án trong KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh, KCN VSIP, góp phần phấn đấu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư hạ tầng, nhất là Công ty VSIP Quảng Ngãi, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong, ngoài nước. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, các KCN và hạ tầng thương mại, phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, thu hút đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch; xây dựng các khu, điểm du lịch, trọng tâm là Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Thiên Đàng, Bình Châu, Cà Đam, Khu văn hóa Thiên Ấn. Đặc biệt là thu hút đầu tư vào Lý Sơn, xây dựng nơi đây thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, Lý Sơn trở thành điểm du lịch quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh.
Bài, ảnh: PHẠM DANH