(Báo Quảng Ngãi)- Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% từ năm 2019, với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Phương án tăng thuế VAT này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ Tài chính đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế. Nước sạch, thực phẩm tươi sống, đường nằm trong 14 nhóm hàng đang chịu thuế VAT 5% được Bộ Tài chính đề xuất nâng bước 1 lên nhóm chịu thuế VAT 10% và sau đó tới ngày 1.1.2019, sẽ tăng lên mức 12% cùng hầu hết các hàng hoá khác. Trước đề xuất này, các chuyên gia cũng như hàng triệu người lao động lo lắng, phản ứng, bởi lương tối thiểu vùng chưa đủ sống, mà chi phí tiêu dùng đang có nguy cơ leo thang theo thuế VAT.
Tăng thuế VAT sẽ làm cho chi phí đầu vào của các loại hàng hóa tăng, dẫn đến giá tăng. |
Thuế VAT là loại thuế gián thu và đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Chẳng hạn với món hàng giá 1 triệu đồng, tới đây, có thể người tiêu dùng sẽ phải mất tới 120.000 đồng tiền thuế. Không chỉ hàng hóa, mà giá các dịch vụ cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Thị Hiền, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, gia đình chị cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, với tổng thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, phải nuôi hai con nhỏ. “Nếu tăng thuế, giá cả ngoài chợ sẽ đồng loạt tăng theo, cuộc sống của chúng tôi đã khó sẽ càng thêm khó. Do đó, gia đình tôi bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu...”, chị Hiền than thở.
Còn anh Lê Thiện Doanh - Chủ cửa hàng Doanh Hợp Lợi trên đường Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ: Việc mua bán kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nếu sắp tới tăng thuế, người tiêu dùng càng dè sẻn trong việc chi tiêu, làm ảnh hưởng đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Đặc biệt, những người buôn bán nhỏ lẻ muốn lên doanh nghiệp cũng khó, vì họ mua hàng hóa không có hóa đơn, dẫn đến không thể hoàn thuế VAT. Và tất nhiên, khi chi phí đầu vào cao, buộc đầu ra phải nâng lên, khiến giá thành tăng và sức mua giảm.
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Kế toán, cho biết: “Việc tăng thuế VAT hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến người dân và cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với người có thu nhập thấp thì không ảnh hưởng mấy, vì các nhóm, mặt hàng như thực phẩm, y tế, giáo dục đều được ưu đãi miễn hoặc giảm thuế VAT. Riêng các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng do sức mua giảm, nhưng cũng chỉ gặp khó khăn ban đầu, còn về lâu dài người tiêu dùng vẫn phải mua, vì nhu cầu tiêu dùng.
Theo ông Nguyên, việc tăng thuế VAT là một vấn đề tất yếu trong chính sách điều hành tài khóa, đảm bảo mọi mặt về kinh tế, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội... Chúng ta phải nhìn vào thực tế bởi bên cạnh một số sắc thuế tăng, nhiều sắc thuế cũng đã được điều chỉnh giảm, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 17% đối với doanh nghiệp vừa và còn 15% đối với doanh nghiệp nhỏ. Điều này chứng tỏ việc điều chỉnh tăng, giảm các sắc thuế đã được tính toán kỹ để làm sao đảm bảo nguồn thu. Song theo tôi, để chính sách tài khóa đi đúng quỹ đạo, không chỉ có mỗi việc tăng thuế suất mà cần phải tiết kiệm chi tiêu công. Có như vậy mới có hướng thu - chi phù hợp.
Trái với quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu nói người nghèo, người có thu nhập thấp không ảnh hưởng mấy do tăng thuế là thiếu thuyết phục. Bởi để sản xuất ra những mặt hàng bán ở chợ, chẳng hạn thịt, gạo hay rau, nhà sản xuất phải mua các nguyên liệu đầu vào và những nguyên liệu này đã chịu tác động bởi việc tăng thuế, từ đó giá các mặt hàng cũng tăng và người tiêu dùng cuối cùng gánh chịu.
Bài, ảnh: HỒNG HOA