(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ ảnh hưởng đến việc nghe và nhận thông tin thời tiết, mà tình trạng thiết bị thông tin liên lạc trục trặc khiến nhiều ngư dân trên địa bàn Quảng Ngãi bị chậm hỗ trợ tiền dầu theo quy định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ngãi, nhưng cơn bão số 10 vừa qua đã khiến 4 chiếc tàu của ngư dân trên địa bàn tỉnh bị chìm, hư hỏng khi đang trên đường tìm nơi neo đậu, tránh trú.
Thiết bị trục trặc
“Tàu chìm. Nhiều người trách chúng tôi chủ quan, nhưng thực tế là do thông tin chập chờn, lúc được lúc mất, khiến chúng tôi cũng bị động”, ngư dân Phan Minh Tân, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết.
Ngư dân đánh bắt xa bờ lo lắng vì không nhận được hỗ trợ tiền xăng dầu do trục trặc trong quá trình thực hiện thủ tục gửi tin nhắn. |
Qua các kênh thông tin, xác định tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm, nên từ ngày 12.9, ông Tân cho tàu quay vào bờ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc tiếp nhận thông tin bị ngắt quãng. Điều này khiến ông Tân gặp khó trong việc xác định hướng đi cũng như thời gian bão đổ bộ.
Liên quan đến vấn đề chất lượng thiết bị thông tin, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đang đứng ngồi không yên. Để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xăng dầu, trong quá trình hoạt động, ngư dân phải nhắn đủ 15 tin nhắn về trạm bờ. Song, cũng không hiểu vì sao mà thời gian vừa qua, tin nhắn gửi lúc được, lúc không khiến nhiều ngư dân lo lắng. “Không đủ 15 tin nhắn là chúng tôi không được nhận hỗ trợ tiền xăng dầu. Mà đó đâu phải lỗi của chúng tôi. Nhiều khi máy đã báo gửi thành công, nhưng lực lượng chức năng kiểm tra thì bảo không có”, ngư dân N.V.T, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Thực tế, sau 6 năm thực hiện, quyết định hỗ trợ xăng dầu đã tiếp thêm động lực, giúp ngư dân trong tỉnh yên tâm bám biển. Tuy nhiên, tình trạng thiết bị thông tin trục trặc đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của ngư dân. “Quy định thì chúng tôi chấp hành, nhưng quy định cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh sao cho phù hợp. Hơn nữa, tôi đề nghị các ngành chức năng trong tỉnh cải thiện chất lượng trạm bờ, chứ cứ như hiện nay thì rất khó cho ngư dân. Đã mất quá nhiều thời gian vào việc nhắn tin, lại còn không nhận được hỗ trợ”, ông N.V.T, đề xuất.
Sẽ đầu tư xây mới trạm bờ?
Khi xảy ra mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tập trung rà soát, kiểm đếm và kêu gọi ngư dân chủ động, kịp thời tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Còn việc thông tin bị chập chờn, đứt quãng như phản ánh của ngư dân, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKTT cho biết sẽ kiểm tra lại. Đồng thời cho rằng, tình trạng trên có thể do thời tiết xấu, nên chất lượng mạng bị ảnh hưởng, hoặc thiết bị liên lạc của ngư dân trục trặc.
Đối với việc ngư dân phải nhắn đủ 15 tin nhắn khi đang hoạt động ở các vùng biển xa bờ thì mới có cơ sở để thực hiện hỗ trợ tiền dầu, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho rằng, đây là quy định của UBND tỉnh, vì thế ngư dân và Chi cục Thủy sản phải thực hiện. Tuy nhiên thời gian qua, số lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng cao, trạm bờ lại ít, nên mới xảy ra tình trạng tin nhắn gửi lúc được, lúc không. Cũng có một số trường hợp do ngư dân thao tác chưa thuần thục hoặc nóng vội nên nhắn tin liên tục, dày đặc. Điều này khiến mạng bị nghẽn, kéo theo hàng loạt tàu cùng nhắn tin không thành công.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi ngư dân nhắn tin về, trạm bờ vừa lưu giữ tin nhắn của ngư dân để tập hợp, trình UBND tỉnh xét duyệt; vừa chuyển thẳng về Tổng cục Thủy sản để lưu giữ, thống kê theo chức năng quản lý. Vì vậy, việc ngư dân băn khoăn “máy trạm bờ có vấn đề về chất lượng” là không có cơ sở. Bởi, máy trạm bờ hoạt động liên tục 24/24 giờ và nếu bị cúp điện, máy sẽ chuyển sang hoạt động bằng nguồn năng lượng ắc quy.
Khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đầu tư lắp đặt thêm máy trạm bờ; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân thực hiện nhắn tin hiệu quả hơn trong thời gian đến.
Bài, ảnh: THANH PHONG