(Báo Quảng Ngãi)- Những rạn san hô được ví như rừng của biển. Nó là nơi sinh sống của các loài sinh vật biển. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu hệ sinh thái san hô biến mất, nguồn thủy sản ven bờ và xa bờ sẽ bị cạn kiệt...
Theo điều tra đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái ở vùng ven bờ huyện Lý Sơn và ven bờ KKT Dung Quất của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam PGS.TS Vũ Thanh Ca, khu vực biển ven bờ huyện Lý Sơn có 33 loài san hô thuộc 13 họ. Còn khu vực biển ven bờ KKT Dung Quất có 49 loài san hô.
Rạn san hô gần khu vực chùa Hang (Lý Sơn) vẫn còn giữ được sự phong phú, đa dạng. Ảnh: Cao Cảnh |
Các rạn san hô khu vực Lý Sơn và KKT Dung Quất đều thuộc kiểu rạn viền bờ ven đảo, nên thường xuyên bị đe dọa bởi hoạt động đánh bắt hải sản bằng hình thức hủy diệt, neo đậu tàu thuyền, chất lượng nước biển ven bờ... Mặt khác, do một số loài ăn rong, tảo biển như nhum, cá dìa bị ngư dân khai thác cạn kiệt, khiến rong, tảo biển phát triển mạnh, lấn át và làm suy thoái san hô...
Cần song hành cả giải pháp xử phạt và tuyên truyền
|
Cũng theo đánh giá của PGS.TS Vũ Thanh Ca, các rạn san hô xung quanh đảo Lý Sơn đã bị suy thoái, nhất là tại khu vực phía nam đảo Lớn. Nơi có nhiều dân cư sinh sống, san hô bị phá hủy và chết nhiều. Hiện chỉ còn khu vực phía đông bắc đảo Lớn, gần chùa Hang và xung quanh đảo Bé, tiềm năng bảo tồn sinh thái rạn san hô còn ở mức trung bình.
Từ các kết quả trên, có thể thấy, việc bảo tồn và khôi phục lại hệ sinh thái rạn san hô xung quanh đảo Lý Sơn cần có những giải pháp thiết thực và cấp bách. Song hiện nay, vẫn chưa có chương trình, dự án nào liên quan đến phục hồi, bảo tồn chính thức khởi động. Trong khi đó, sự suy thoái của rạn san hô sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức hấp dẫn của du lịch. Vì du lịch sinh thái, lặn biển ngắm san hô được coi là điểm nhấn quan trọng của du lịch đảo Lý Sơn.
Du khách Lê Minh, đến từ TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Thay vì chỉ đến biển để tắm và ngắm cảnh, nay du khách chúng tôi có yêu cầu cao hơn, đó là muốn được trải nghiệm loại hình lặn biển ngắm san hô và đàn cá ven bờ. Vì vậy, không chỉ cảnh sắc, mà sự phong phú của san hô tại vùng biển đó cũng là một trong những yếu tố quyết định đến chuyến đi du lịch của tôi và gia đình”.
Theo Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn, tại khu bảo tồn biển Lý Sơn, rạn san hô có tầm quan trọng rất lớn đối với nguồn tài nguyên thủy sản, cũng như ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại đây. Vì vậy, BQL đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống phao để đánh dấu vùng cần bảo vệ và sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng Lý Sơn tuần tra, giám sát. Dù nhiệm vụ đặt ra nhiều, nhưng chưa có kinh phí, nên BQL mới chỉ thực hiện các lớp tập huấn, tuyên truyền đến người dân, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rạn san hô và các đa dạng sinh học khác trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Ý THU