Cơ hội phát triển kinh tế từ Dự án DEP

08:09, 09/09/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Có nguồn điện ổn định, an toàn từ Dự án “Cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối tỉnh Quảng Ngãi” (DEP), người dân huyện Đức Phổ đang nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế, nhất là mở rộng nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá.
 
 
Mở ra cơ hội mới cho nhiều hộ kinh doanh
 
Những ngày đầu tháng 9.2017, hơn 150 hộ dân ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ) không khỏi háo hức mong chờ khi hay tin ngày được sử dụng điện lưới ổn định an toàn từ Dự án DEP đang rất cận kề.
 
Trước đây, để có được nguồn điện, người dân nơi đây phải kéo dây từ trạm biến áp Phổ Quang 7. Có hộ phải kéo xa đến 1-1,5km, nên điện áp yếu, đường dây không đảm bảo an toàn. Để khắc phục hạn chế này, ngành điện đã tiến hành kéo dây, chôn trụ mới và xây dựng trạm biến áp Phổ Quang 8 đặt ngay cửa biển Mỹ Á.
 
Trạm biến áp 250kVA này, sẽ giúp cho điện áp của hơn 150 hộ quanh khu vực cửa biển ổn định và tăng lên gấp 1,5-2 lần so với trước đây. Đây là một trong những phần việc nằm trong dự án DEP đang được triển khai trên 15 xã, thị trấn của Đức Phổ.

 

Công nhân Điện lực Đức Phổ đang kiểm tra Trạm biến áp Phổ Quang 8 trước khi nghiệm thu và đóng điện
Công nhân Điện lực Đức Phổ đang kiểm tra Trạm biến áp Phổ Quang 8 trước khi nghiệm thu và đóng điện
 
Cũng từ đây, cơ hội phát triển kinh tế của người dân ngày càng mở rộng. Hiện ông Đặng Văn Nể ngụ thôn Hải Tân, xã Phổ Quang vui vẻ chia sẻ, hiện gia đình ông đang nuôi tôm trên diện tích hơn 2.500 mét vuông hồ. “Ít ngày nữa khi điện lưới mới được đóng, thì không còn cảnh điện lúc mạnh lúc yếu thì tối sẽ mạnh dạn đầu tư cho hồ tôm hơn. Giờ mật độ nuôi là 100 con tôm/m2, nếu điện áp mạnh, ổn định thì tôi sẽ mua thêm máy sục để nuôi với mật độ dày hơn, khoảng 150-200 con/m2. Như vậy, thu nhập cũng sẽ khá hơn”- ông Nể cho hay.
 
Mở rộng kinh doanh, mạnh dạn đầu tư thêm cũng là dự định của rất nhiều hộ đang tham gia nuôi trồng thủy sản và kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Phổ Quang khi đón nguồn điện mới. Hiện Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã cũng đã có kế hoạch nâng công suất nhà máy nước đá lên gấp đôi để đảm bảo nhu cầu của các tàu cá ở cảng Mỹ Á.
 
Ông Thái Hồng Vinh- thành viên HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Quang cho hay: Hiện chúng tôi đang có nhà máy sản xuất nước đá với công suất 500 cây/ngày. Nhưng số lượng này không đủ cung cấp cho hơn 50 tàu cá ra vào thường xuyên mỗi ngày ở cảng. Việc đóng điện ở trạm biến áp Phổ Quang 8 sẽ giúp chúng tôi có cơ hội phát triển nhà máy để nâng công suất lên 1.000 cây/ngày. Làm được điều này, HTX vừa tạo công ăn việc làm cho các xã viên, lại vừa giúp đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần ở cảng.
 
Góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
 
Được triển khai từ tháng 2.2107, dự án DEP do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng. Dự án có nhiệm vụ thi công hơn 50km đường dây trung áp, hơn 250 km đường dây hạ áp và xây mới 127 trạm biến áp với tổng công suất 16.000 kVA.
 
Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành nhiều phần việc quan trọng, góp phần đảm bảo nguồn điện an toàn, ổn định cho 15 xã, thị trấn ở huyện Đức Phổ. Trong đó, dự án đã đóng điện 50km đường dây hạ áp, hơn 15km đường dây trung áp và 45 trạm biến áp. Khối lượng thi công hoàn thành hơn 80%, đang trong giai đoạn nghiệm thu để đóng điện.

 

Việc hoàn thành Dự án DEP sẽ giúp huyện Đức Phổ phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực, trong đó có các dịch vụ hậu cần nghề cá
Việc hoàn thành Dự án DEP sẽ giúp huyện Đức Phổ phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực, trong đó có các dịch vụ hậu cần nghề cá
 
Ông Võ Thanh Bình- Giám đốc Điện lực Đức Phổ cho biết: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi đang cố gắng hoàn thành việc đóng điện ở đường dây hạ áp, trung áp và 77 trạm biến áp còn lại. Sau khi hoàn thành, Dự án DEP sẽ đảm bảo cho 45 nghìn hộ dân ở Đức Phổ được sử dụng nguồn điện an toàn, điện áp mạnh hơn so với trước đây từ 1,5-2 lần.
 
Dự án DEP được triển khai tại huyện Đức Phổ cũng góp phần giúp cho kinh tế địa phương phát triển mạnh hơn, nhất là các dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản ở 6 xã biển. Ông Nguyễn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Điện lưới nông thôn không đảm bảo trước đây là một trong những trở ngại cho việc phát triển kinh tế của các xã biển. Từ khi dự án DEP được triển khai, toàn huyện đã có mạng lưới điện ổn định và trở thành “đòn bẫy” để giúp người dân phát triển kinh tế.
 
Huyện Đức Phổ đang có kế hoạch phát triển cụm công nghiệp Sa Huỳnh và cụm dịch vụ hậu cần nghề cá ở cửa biển Mỹ Á. Trong đó, chú trọng đến các dịch vụ chế biến hải sản, cung cấp xăng, dầu, đá và các nguyên liệu cần thiết cho các tàu cá. Hệ thống điện lưới an toàn với điện áp ổn định sẽ góp phần giúp triển khai các loại hình kinh doanh này một cách thuận lợi hơn.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 
 
 
 
 

.