(Báo Quảng Ngãi)- Những cơn mưa chiều liên tiếp trong nhiều tuần qua là điều kiện cho đồng bào vùng cao vào vụ trồng rừng.
Trong những ngày này, trên vùng cao đâu đâu cũng bắt gặp cảnh bà con gùi cây keo con giống, phân bón đến những chân đồi để chuẩn bị cho mùa trồng rừng. Anh Phạm Văn Lếch ở thôn Măng Lùng, xã Ba Tô (Ba Tơ) cho biết: Nhờ trồng keo mà làm được cái nhà, mua xe mới, bọn nhỏ có quần áo mới đến trường... Nhờ cán bộ lâm trường hướng dẫn kỹ thuật, mùa trồng rừng này gia đình mua phân bón lót để cây lên nhanh”.
Anh Phạm Văn Lếch thôn Măng Lùng, xã Ba Tô (Ba Tơ) chuẩn bị phân bón lót, tập kết cây giống để trồng rừng. |
Nhà anh Lếch có 5 khẩu, cuộc sống nhờ vào 2 rẫy keo. Anh vừa thu hoạch được 1 rẫy, bán được 40 triệu đồng. Giờ bắt đầu có mưa núi, nên anh đã huy động gia đình, bà con xóm làng dọn rẫy, mua 5.000 cây keo con giâm hom để chuẩn bị trồng rừng.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân, cho biết: Vụ trồng rừng năm 2017, huyện có kế hoạch trồng 7.100ha, trong đó, trồng rừng sản xuất 6.700ha, còn lại trồng rừng phòng hộ. Đến nay, toàn huyện đã trồng được gần 4.000ha. Huyện đã khuyến cáo người dân tăng cường trồng cây keo con có nguồn gốc rõ ràng, trồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế. |
Tại xã Ba Thành, cơn mưa chiều vừa ngớt, nhiều người ở thôn Làng Tăng tranh thủ đến các vườn ươm chọn cây, mua phân, vận chuyển lên đồi. Không khí trồng rừng nơi đây diễn ra nhộn nhịp. Anh Phạm Văn Kênh, cho biết: “Keo lai là nguồn thu nhập chính của dân nơi đây, nên đến mùa trồng rừng nhà nào cũng tranh thủ xuống cây. Trước đây, cuộc sống khó khăn, bà con tận dụng cây keo hạt mọc sót lại trên đất đồi từ mùa trồng rừng năm trước để chăm sóc, còn bây giờ người dân đều đến vườn ươm mua cây giống tốt để trồng, để cây sinh trưởng tốt".
Nhờ cách làm này mà đồi keo của anh Kênh sinh trưởng nhanh. Vừa qua, anh bán được 65 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Ba Vinh (Ba Tơ) Phạm Văn Rạch vui mừng cho biết: Lúc đầu chỉ có vài hộ trồng rừng đúng kỹ thuật, sau một chu kỳ từ 5-7 năm bà con thu hoạch bán được khoảng 60 triệu đồng/ha. Bây giờ, nhiều hộ trồng rừng trong xã đã biết chọn cây giống giâm hom, bón lót và bón phân theo chu kỳ. Sau khi cây lên thì phát chồi định kỳ, nên cây phát triển khá tốt và cho năng suất cao.
Tại huyện Minh Long, trong những ngày này người dân cũng tranh thủ chăm sóc keo con, đặt cây giống ở các vườn ươm để chuẩn bị bước vào mùa trồng rừng. Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp (Minh Long) Nguyễn Đình Dũng cho hay, đa số người dân đã biết ươm cây keo giống để trồng rừng, nhưng đất rừng ngày càng có giá trị, bà con lo sợ cây giống mình ươm không đảm bảo lỡ mất chu kỳ trồng cây, nên nhiều hộ đã đặt mua cây giống tại HTX với số lượng lớn. Mùa trồng rừng này, HTX chuẩn bị 1,5 triệu cây keo con giống để bán cho dân. Hiện nay, xã viên HTX đang tập trung chăm sóc cây giống để kịp bán; đồng thời đặt mua ở Đồng Nai khoảng 400 nghìn cây dầu rái để đáp ứng cho những hộ có nhu cầu trồng cây lâu năm.
Trong những năm qua, cây keo đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng cao trong tỉnh. Vì vậy, vào mùa trồng rừng năm nay, hầu hết người dân đã áp dụng kỹ thuật để trồng cây, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, ngành chức năng cũng nên khuyến cáo người trồng keo xen trồng cây lâu năm để giữ đất, giữ môi sinh, tạo nguồn nước cho những con suối phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN