(Baoquangngai.vn) - Việc liên kết thành lập nhóm hộ hợp tác để đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây mía, đưa cây mía lên đất đồi, ruộng hạn trên địa bàn huyện Sơn Hà thời gian gần đây bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
TIN LIÊN QUAN
Cán bộ đảng viên, đi trước, làng nước theo sau
Xuôi theo con đường qua các xã Sơn Thủy, Sơn Kỳ gặp những cánh đồng mía bạt ngàn đang lao xao trong nắng. Khi những cơn gió chiều tràn về, cả cánh đồng mía tạo nên những đợt sóng dập dờn dưới chân núi, đẹp đến nao lòng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các ruộng mía cây nào cây nấy cao, to, đều tăm tắp, ông Nguyễn Phi Hùng, ở thôn Làng Gon, xã Sơn Thủy vui mừng chia sẻ: "Có được cánh đồng mía này là nhờ chú Lê Công Hà, Trưởng Ban Mặt trận thôn đứng ra quán xuyến, không có chú còn lâu mới làm được”.
Ông Hùng cho biết, hiệu quả kinh tế của cây mía cao hơn gấp 4 - 5 lần so với cây mì và lúa. Mỗi sào mì, trừ chi phí, bà con chỉ thu được 500 - 800 nghìn đồng, còn mía cao gấp 5 lần, từ 2 - 4 triệu đồng. Với 10 sào mía, ông thu lãi được hơn 36 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Vớt cũng vui mừng cho hay: Với 5 sào mía ông “bỏ túi” được 18 triệu đồng. Từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ 2 lần, vừa đỡ tốn công chăm sóc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để thực hiện mô hình này, cán bộ, đảng viên được phân công làm trưởng nhóm, đi tiên phong làm cầu nối giữa các nhóm hộ với Nhà máy Đường Phổ Phong, chịu trách nhiệm giám sát việc làm đất, nhận phân bón, cấp phát phân bón, giám sát làm cỏ, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc và tổ chức thu hoạch…
Cây mía bén duyên với bà con nông dân ở xã Sơn Thủy. |
Cũng chính từ vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên mà trong năm 2016, trong vụ mía đầu tiên, nhóm do ông Hà phụ trách gồm 17 thành viên đã thực hiện thí điểm thành công mô hình cánh đồng mía mẫu lớn trên diện tích hơn 6ha, cho năng suất và hiệu quả kinh tế vượt trội.
Bà con trong thôn thấy rõ hiệu quả việc đưa cây mía về thay cho cây mì, cây lúa kém hiệu quả, tin tưởng vào vai trò nêu gương, đi đầu của cán bộ, đảng viên. Nhờ vậy, từ vụ đầu tiên chỉ có 17 hộ tham gia, với diện tích 6ha, vụ thứ 2, nhóm ông Hà phụ trách đã tăng lên 29 hộ, với diện tích mở rộng 20ha.
Hiệu quả từ liên kết sản xuất theo nhóm hộ
Đây là vụ mía thứ hai, bà con ở xã Sơn Thủy thực hiện chủ trương nhóm hộ hợp tác liên kết sản xuất mía với nhà máy. Thực tế, ở vùng đất núi Sơn Hà, cây mía đã có mặt gần 15 năm qua, nhưng vẫn bị cây mì lấn lướt.
“Tuy nhiên, cây trồng này chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đe dọa đến môi trường. Cây mì phá đất, canh tác đến vụ thứ 4 đất đai cằn cỗi, cây mì không phát triển, cho năng suất kém. Người dân thường lạm dụng thuốc diệt cỏ tràn lan, không chỉ làm cho đất chai cứng, mà còn gây ô nhiễm môi trường- ông Hà phân tích.
Theo ông Đinh Văn Tấn- Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, việc sản xuất theo hình thức cá thể không còn phù hợp, địa phương đã quyết tâm thành lập các nhóm hộ liên kết, cử cán bộ, đảng viên phụ trách gương mẫu, tiên phong đi đầu đã giúp địa phương tìm ra cây trồng phù hợp, bền vững hơn cây keo, cây mì.
Những cây mía to, thẳng đều, sinh trưởng và phát triển tốt trên đất gò đồi, rượng hạn. |
Liên kết sản xuất mía với nhà máy, cùng với đưa giống mới, đẩy mạnh cơ giới trong quá trình làm đất, nhà máy đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút người dân đến với cây trồng này.
Nhà máy hỗ trợ bằng hình thức cho mượn bằng phân bón, trả tiền nhân công, giống... không tính lãi, cam kết giá thu mua tối thiểu là 960.000 đồng/tấn. Với mỗi hécta, bà con có thể được vài trục triệu đồng/vụ.
“Chuyển từ cây mì, cây lúa kém hiệu quả sang cây mía vừa cho kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Dự kiến năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra diện tích lúa kém hiệu quả ở các thôn”- ông Tấn chia sẻ.
Hiệu quả của cây mía trên đất đồi, ruộng hạn đã được chứng minh. Từ nhỏ lẻ, rời rạc, diện tích mía trên địa bàn huyện Sơn Hà đã mở rộng đáng kể ở 7 xã: Sơn kỳ, Sơn Thủy, Sơn Cao, Sơn Hạ, Sơn Trung…
Ông Phùng Tô Long- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện xác định sẽ chuyển đổi phương thức hỗ trợ từ cá thể sang nhóm hộ, tiến đến thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã.
Như thế để giúp người dân sẽ tiếp cận nhanh hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp tốt hơn dịch vụ, tạo ra sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung, mang lại hiệu quả trong việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Việc hỗ trợ theo hình thức nhóm hộ cũng là ràng buộc trách nhiệm giữa các thành viên, tránh mỗi hộ tự ý bán sản phẩm khi chưa có sự giám sát của đơn vị cung ứng, mang hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở kết quả bước đầu của mô hình trồng mía, huyện sẽ nhân rộng ra cho các mô hình hỗ trợ nuôi, trồng khác.
Điều này không chỉ làm thay đổi nhận thức của bà con miền núi về cơ cấu nông nghiệp, phương thức sản xuất mà còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng đa dạng, giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện nghèo.
Bài, ảnh: A.KIỀU