(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, diện tích lúa đại trà đang trong giai đoạn trổ đều cộng với thời tiết nóng ẩm khiến sâu, bệnh có điều kiện phát sinh, phát triển. Toàn tỉnh đã có gần 1.800 ha lúa bị chết cây, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại.
TIN LIÊN QUAN
Dù nông dân đã phát hiện kịp thời, phun xịt thuốc phòng trừ, nhưng hiện hay hàng loạt diện tích lúa đang trổ đều bị bệnh chết cây, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại, ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa hè thu.
Bà Trần Thị An, ở thôn An Lộc, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi cho biết: Vụ hè thu này, gia đình bà sạ 5 sào lúa, giống KD28 và Bắc Thịnh. Cả tháng nay, cứ ngày cách ngày, bà An lại ra đồng kiểm tra lúa để phun thuốc trừ, nhưng đến thời điểm này, khoảng 40% diện tích lúa đã trổ đều bị héo cây, lép bông, khô trắng, chết vàng từng chồi lúa. Khi tách thân lúa phát hiện thân cây xuất hiện nhiều điểm đen, bị thối rữa, gãy đổ.
Theo bà An, vụ hè thu này tuy không thiếu nước, nhưng thời tiết nắng nóng, nồm ẩm nên sâu bệnh nhiều hơn các vụ trước. Từ đầu vụ đến nay, bà An đã giảm bón phân đạm và phun đến 6 lần thuốc trừ sâu bệnh đạo ôn, rầy, chết cây, nhưng bệnh trên cây lúa vẫn không ngừng gia tăng.
Nhiều diện tích lúa bị chết héo cây, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất. |
Không chỉ bị bệnh chết héo, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đang hoành hành trên diện tích lúa đại trà ở các địa phương: Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Trà Bồng.
Gặp phóng viên khi đang pha thuốc xịt trừ rầy cho ruộng lúa, ông Đặng Bông, ở thôn Hòa Bân, xã Tịnh Thiện cho hay, rầy nâu, rầy lưng trắng nhiều lại thêm lem lép hạt. “Cứ 1 tuần tôi lại phun một lần, không phun thì ảnh hưởng đến năng suất lúa mà phun nhiều thuốc BVTV lại lo ảnh hưởng đến sức khỏe”- ông Bông bày tỏ.
Cách đó không xa, chị Trần Thị Diện cũng phun thuốc trị rầy cho đám lúa 2 sào của mình. Chị Diện cho hay, đây là đợt thứ 3 rầy xuất hiện trên cánh đồng này, vụ này rầy xuất hiện dày đặc, lấy tay vạch dãnh lúa, thấy rầy phủ kín gốc lúa.
Vụ hè thu 2017, toàn tỉnh gieo sạ gần 35.600ha, trong đó có 24.286ha lúa đại trà đang trong giai đoạn làm đòng đến chắc xanh.
Theo thống kê, đã có có 1.242 ha bị chuột cắn phá, 924 ha bị bệnh chết héo, 869 ha bị tầy nâu, rầy lưng trắng, 161 ha bị lem lép hạt, 4.569 ha bị bệnh khô vằn… Ngoài ra còn một số bệnh khác như đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ,...
Trước diễn biến của tình hình sâu bệnh, ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục TT&BVTV cho biết, từ nay đến cuối vụ có 2 đối tượng hây hại có khả năng làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, dịch sẽ tiếp tục lan ra diện rộng nếu bà con nông dân không kiểm tra phòng ngừa kịp thời, có hiệu quả.
Đối với bệnh trên chết héo thì bà con nông dân phải xuyên kiểm tra ruộng lúa của mình, đặc biệt là những chân ruộng bờ nam bờ vụ trước có bệnh chết cây, chẻ dưới gốc lúa có vết thâm đen thì bà con nông dân cần tháo cạn nước rồi dùng các loại thuốc đặc trị để phun.
Bà con nông dân cần thường xuyên ra đồng, kịp thời phát hiện bệnh để chủ động phòng trừ cho cây lúa. |
Sau khi phun từ 5 - 7 ngày, bà con kiểm tra lại nếu bệnh chưa dừng hẳn thì phun tiếp một lần nữa, sau 2 - 3 ngày cho nước vào ruộng và chăm sóc bình thường.
Đối tượng thứ hai là đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng thì hiện nay lúa đại trà đang trong giai đoạn trổ đều cho nên rất phù hợp cho rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh, phát triển. Bà con nông dân thường xuyên kiểm tra ruộng lúa của mình phát hiện mật độ rầy có từ 2 - 3 con trên 1 dãnh lúa trở lên thì dùng các thuốc đặc hiệu để trị.
Khi phun đề nghị bà con vạch lúa theo từng băng nhỏ, phun ướt đẫm thân cây lúa, sau phun 5 - 7 ngày nếu kiểm tra thấy mật độ rầy chưa giảm hẳn thì tiếp tục phun lần nữa. Có như thế mới hạn chế được dịch hại do đối tượng rầy gây ra.
Bài, ảnh: C.P