(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng các loại nông, lâm, thủy sản (NLTS), thì ngành chức năng vẫn loay hoay với công tác kiểm tra, giám sát.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục quản lý chất lượng NLTS đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4/303 cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP).
Vi phạm phổ biến
Theo đánh giá chung, công tác quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực NLTS vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vi phạm ATTP vẫn tiếp tục xảy ra trên một số mặt hàng NLTS. Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng tăng trọng cho tôm, thịt bằng nước, tạp chất được thương lái sử dụng khá phổ biến. “Thêm nước cho tôm đẹp, tươi lâu, dễ bán, chứ trọng lượng có tăng được bao nhiêu đâu”, bà Hương, một tiểu thương bán hải sản tại chợ Quảng Ngãi phân trần khi chúng tôi đề cập đến vấn đề “bơm nước vào tôm”. Song, theo đánh giá của ngành chuyên môn, nếu sử dụng tôm bị bơm nước, tạp chất, người tiêu dùng sẽ bị ngộ độc thực phẩm. Thậm chí có thể mắc các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, rối loạn tiêu hóa...
Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nông lâm thủy sản vẫn còn bỏ ngõ, vì điệp khúc "thiếu kinh phí, yếu nguồn lực". |
Đối với thịt gia súc gia cầm (GSGC), toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở giết mổ GSGC tập trung, còn lại 406 điểm giết mổ nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên, nên việc kiểm soát chất lượng vẫn bị bỏ ngỏ. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Nguyễn Đình Tuấn thì: “Số lượng điểm giết mổ quá nhiều, mà lực lượng cán bộ thú y mỏng, nên không đảm nhận xuể!”.
Hưởng ứng Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp-năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ATTP; các cấp, ngành, địa phương tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP ngay từ khâu đầu vào sản xuất; tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ NLTS an toàn; chú trọng tổ chức lực lượng, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng NLTS. |
Loay hoay kiểm tra, giám sát
Dù biết các điểm giết mổ GSGC hoạt động nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ mất an toàn, nhưng vì điệp khúc “kinh phí thiếu, nguồn lực yếu”, nên chưa được các ngành chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá. Nếu có thực hiện cũng chỉ mang tính chiếu lệ, chung chung.
Theo Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Võ Văn Kỹ thì, kiểm tra và phân tích các chỉ tiêu trên mẫu thịt GSGC tốn nhiều thời gian và kinh phí. Vì vậy, chỉ khi nào tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì đơn vị mới thực hiện. “Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát và quản lý ATTP bị chồng chéo, thiếu hiệu quả, vì mỗi ngành phụ trách một khâu”, ông Kỹ lý giải.
Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục quản lý chất lượng NLTS chỉ tiến hành lấy 12 mẫu tôm chân trắng để kiểm tra các chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh, chất cấm và môi trường; còn các mẫu thịt GSGC thì... chưa thực hiện!
Đối với việc giám sát tồn dư thuốc BVTV trên 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước (theo danh mục của Bộ NN&PTNT) cũng còn lỏng lẻo. Đến thời điểm này, chưa có cơ sở trồng trọt nào trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo ATTP!
Theo ông Võ Văn Kỹ, cùng với những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện của ngành chuyên môn thì, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng NLTS chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Điều này thể hiện qua các cuộc họp đánh giá, triển khai công tác quản lý chất lượng NLTS, lãnh đạo cấp huyện rất hiếm khi tham dự. Hơn nữa, Bộ NN&PTNT cũng chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
“Rất mong UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp hỗ trợ chúng tôi, tích cực vào cuộc trong công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh NLTS nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP”, ông Võ Văn Kỹ đề xuất.
Bài, ảnh: MỸ HOA