Lãi suất giảm, hiệu ứng đã tới đâu?

02:08, 04/08/2017
.

Để có những tuyên bố giảm lãi suất đồng loạt như vừa qua, thì cả nhà điều hành chính sách và giới ngân hàng phải rất cân nhắc rất nhiều.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Những phản hồi đầu tiên từ thị trường

Giai đoạn lo lắng hồi cuối năm 2016 đầu năm 2017 vì lãi suất có xu hướng tăng lên đã qua nhanh. Sự ổn định được lập lại và nay mặt bằng lãi suất lại có xu hướng giảm.

Bên cạnh chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm 0,5 điểm phần trăm đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại một số lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao), thì lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm cũng được công bố sẽ giảm đi 0,25 điểm phần trăm.

Trước động thái này, các ngân hàng hầu như đều có phản ứng giống nhau với hàng loạt tuyên bố dồn dập về việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn ở hầu khắp các lĩnh vực.

Đa phần biểu lãi suất cho vay từ sau ngày 10/7 đều giảm rõ nét, phổ biến từ khoảng 0,1- 0,5 điểm phần trăm so với trước đây. Cá biệt cũng có ngân hàng tuyên bố giảm đến 1 điểm phần trăm. Và lần này, cuộc đua “giá xuống” được khởi xướng từ nhóm các ngân hàng cổ phần như LienVietPostBank, VPBank, Sacombank. Tiếp đó là những nhà cho vay lớn như BIDV, Vietcombank hay Vietinbank với thông điệp giảm lãi suất trên diện rộng hơn, ở nhiều chương trình tín dụng hơn.

Nhưng tựu chung có thể thấy hầu hết các thông báo giảm lãi suất chỉ gói gọn trong các khoản vay ngắn hạn. Trường hợp của Agribank - ngân hàng đang có tỷ trọng cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 50% toàn thị trường tuyên bố giảm cả lãi suất cho vay trung, dài hạn có lẽ là tương đối cá biệt.
 
Sự cá biệt ấy nói như quan điểm của ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) là “nếu được nhân rộng lên thì tốt quá”. Bởi DN hiện rất cần vay vốn trung dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất, chứ không chỉ là bổ sung vốn lưu động.

Hiệu ứng tích cực mới được ghi nhận ở chiều rộng

Tất nhiên, động thái dứt khoát trong điều hành lãi suất của NHNN đã nhận được đánh giá tích cực từ nhiều nhà chuyên môn và cả giới DN. Cũng theo vị đại diện HUBA, cái được là DN sẽ thêm cơ hội bổ sung nguồn vốn lưu động giá rẻ để kịp mùa sản xuất kinh doanh vào các dịp lễ, Tết sắp tới.
 
hưng số được lợi ấy chưa lớn, vì đa số DN đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng đều là những DN không quá khó khăn. Nút thắt vẫn là tiếp cận vốn, “người vay được thì đã vay được rồi, giảm một chút lãi suất thì họ mừng đấy. Còn những người khó tiếp cận vốn như các DN vừa và nhỏ thì vẫn khó tiếp cận vốn thôi”, ông Hưng chia sẻ.

Đại diện một ngân hàng cổ phần tầm trung cho hay, ngoài giảm lãi suất thì ngân hàng vẫn giữ nguyên điều kiện “tiếp cận vốn” như trước, tức phải là khách hàng có lịch sử quan hệ tín dụng lành mạnh, chưa từng có nợ xấu, có tình hình tài chính minh bạch và đang kinh doanh thuận lợi.

Vì vậy, sau khoảng gần một tháng kể từ lúc tuyên bố giảm lãi suất đến nay, ngân hàng này vẫn chưa thấy tình hình giải ngân tăng lên rõ rệt. “Bây giờ chúng tôi bị siết về tỷ lệ nợ xấu dữ lắm. Nếu thả lỏng thì các ngân hàng lại gặp vấn đề như những năm trước đây mất”, nhà quản lý này trần tình.

Dù vậy, vị Phó Chủ tịch HUBA vẫn tin rằng cái được lớn nhất với DN lúc này ở chính sách trên là vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô. Do đó, dù gì thì DN vẫn được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh ổn định.

Giảm lãi suất, bài toán cân não

Động thái kéo giảm mặt bằng lãi suất của NHNN được hiểu là để hỗ trợ cho mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay kịp về tới đích 6,7%. Thế nhưng xét trong bối cảnh CPI tăng rất thấp, vượt cả mong đợi khi chỉ nhích thêm 0,31% so với cuối năm ngoái thì hành động giảm lãi suất của ngành ngân hàng như hiện nay phải chăng hơi có phần “rón rén”?

Theo TS. Bùi Quang Tín từ Đại học Ngân hàng TPHCM, thực tế NHNN đã phải cân nhắc rất nhiều khi giảm lãi suất vì còn phải dè chừng lạm phát do mở rộng cung tiền. Theo đó, lãi suất là một trong những công cụ điều hành “lợi - hại” của NHNN, có tác động mạnh và trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Giảm lãi suất điều hành và lãi suất ở 5 lĩnh vực ưu tiên thực chất sẽ khiến lãi suất các lĩnh vực không ưu tiên cũng theo đà giảm đi. Nhưng song song với đó, tín hiệu định hướng từ lãi suất điều hành cũng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động. Nếu lãi suất cho vay giảm nhanh quá mức thì hệ thống NHTM có thể bị khan vốn huy động đã đành, mà tệ hơn có thể làm xuất hiện nguy cơ dòng vốn giá rẻ càng chảy vào các thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán hay bất động sản nhiều hơn. “Lúc đó thì lợi bất cập hại!”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định.

Ngoài ra, khi mặt bằng lãi suất cho vay xuống nhanh sẽ đẩy lãi suất huy động VND giảm theo. Từ đó trực tiếp khiến độ hấp dẫn của Việt Nam đồng không còn mạnh như trước. Nghĩa là sẽ có tác động tiêu cực lên chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế.

Thực tế cũng cho thấy rõ ràng mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã rục rịch giảm dù chưa rõ nét. Ví dụ như tại PVCombank, nếu như trước đây lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,5%/năm, thì nay đã lui về 8%/năm. Tại nhiều NHTM lớn nhỏ khác, biểu lãi suất huy động cũng đã giảm đi từ 0,1-0,5 điểm phần trăm.

Nói chung, dường như hãy còn quá sớm để có thể nhìn thấy tác động nhiều chiều của mặt bằng lãi suất mới, nhưng ít ra “kỳ vọng hiệu ứng tốt đẹp lên tăng trưởng GDP sẽ xuất hiện vào quý IV năm nay hoặc chậm hơn, có thể vào đầu năm 2018”, vị chuyên gia đến từ Đại học Ngân hàng TPHCM dự báo.
 

Theo Phương Hiền/Chinhphu.vn

 

 


.