(Baoquangngai.vn)- Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2017, thế nhưng đến thời điểm này công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá thấp, kể cả nguồn vốn chuyển từ năm 2016 và vốn năm 2017. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành liên tiếp 7 văn ban chỉ đạo, song với tiến độ như hiện nay nếu các cấp, ngành và địa phương không triển khai quyết liệt thì sẽ khó giải ngân vốn đạt như kế hoạch đã đề ra.
Giải ngân chậm
Theo ông Ngô Văn Trọng- Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi thì tổng vốn đầu tư năm 2016 kéo dài sang năm 2017 là 367 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là 206 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương. Tuy nhiên, tính đến ngày 15.8, số tiền giải ngân của vốn này cũng chỉ đạt 182 tỷ đồng, chưa được 50%.
Chậm giải ngân nhất là nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia, tổng nguồn vốn kéo dài từ năm 2016 đến năm 2017 của nguồn vốn này là 95,696 tỷ đồng, tuy nhiên hiện tiến độ giải ngân của nguồn vốn này chỉ đạt trên 44,3 tỷ đồng, mới đạt 46,3%.
Đáng nói, trong tổng số 95,696 tỷ thì nguồn vốn Chương trình giảm nghèo chiếm gần 84 tỷ đồng và tiến độ giải ngân của nguồn vốn cũng này chỉ mới đạt trên 39,3 tỷ đồng. Nhiều địa phương giải ngân nguồn vốn này khá thấp, đặc biệt có tới 5 địa phương chưa giải ngân đồng nào gồm Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn và Lý Sơn.
Thi công đường Trì Bình- Dung Quất |
Ngoài vốn Chương trình giảm nghèo giải ngân đạt thấp thì vốn Chương trình nông thôn mới cũng không khá hơn khi có tới 4 huyện chưa giải ngân, đó là TP. Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Lý Sơn và Minh Long.
Cùng với đó, vốn Trái phiếu Chính phủ của năm 2016 được phép kéo dài sang năm 2017 đến thời điểm này cũng đạt thấp. Tổng nguồn vốn này là trên 103 tỷ đồng, tuy nhiên hiện cũng chỉ mới giải ngân đạt gần 40 tỷ đồng, mới đạt hơn 37%.
Trong đó, vốn cho dự án đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh giai đoạn 1 mới giải ngân 22,7 tỷ đồng/69,4 tỷ đồng (đạt 32,8% kế hoạch); vốn Chương trình nông thôn mới mới giải ngân 10,4 tỷ đồng/21,5 tỷ đồng (đạt 48,5% kế hoạch), vốn Kiên cố hóa trường lớp mới giải ngân được 5,7 tỷ đồng/12,3 tỷ đồng (đạt 46%).
Còn đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ trong năm 2017 là 3.178 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là 782 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 2.395 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 15.8.2017, thì tiến độ giải ngân các nguồn vốn trên đạt 1.352 tỷ đồng (bằng 43% kế hoạch vốn).
Còn đối với các nguồn vốn sử dụng chương trình mục tiêu quốc gia cũng giải ngân đạt khá thấp. Kế hoạch vốn là trên 359 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ giải ngân được 67,8 tỷ đồng, mới đạt 18,8% kế hoạch. Trong đó, vốn nông thôn giải ngân mới đạt hơn 20%, vốn giảm nghèo bền vững giải ngân chỉ đạt 17,8%.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu để cắt vốn
Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành liên tiếp 7 văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017. Tuy nhiên, đến nay tiến độ và kết quả giải ngân chậm, nhất là nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2016 sang năm 2017, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, kế hoạch vốn năm 2017 mới giải ngân đạt 43% và còn 28 dự án khởi công mới đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục để khởi công.
Mới đây, tại cuộc họp với các sở, ngành địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã yêu cầu các chủ đầu tư cấp tỉnh như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình: giao thông, dân dụng và công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát, đánh giá năng lực quản lý, điều hành của Ban quản lý dự án; tập trung, phấn đấu chỉ đạo thực hiện, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2017.
Cầu Thạch Bích là một trong số ít dự án trong năm 2017 có tiến độ giải ngân vốn vượt kế hoạch |
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát lại tất cả danh mục công trình (khối lượng thực hiện, tiến độ giải ngân) thuộc nguồn vốn chuyển tiếp năm 2016 sang năm 2017 và kế hoạch vốn năm 2017; trên cơ sở đó, tổ chức họp trực báo với UBND các xã, các đơn vị trực tiếp quản lý dự án để tập trung thực hiện rốt ráo, đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn được giao theo đúng tiến độ, quy định.
Đến 30.10.2017, phải giải ngân 100% nguồn vốn chuyển tiếp năm 2016 sang năm 2017, trường hợp không giải ngân được, Chủ đầu tư có văn bản báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở kế hoạch và Đầu tư) để có kế hoạch cắt giảm, điều chuyển phù hợp, không để mất vốn.
Đến 30.9.2017, phải giải ngân ít nhất đạt 30% kế hoạch vốn giao đầu năm 2017, kể cả vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Chủ đầu tư nào thực hiện không hoàn thành, bị cắt giảm, mất vốn thì phần vốn còn lại của công trình, dự án ngân sách cùng cấp, Chủ đầu tư phải tiếp tục đầu tư để công trình hoàn thành và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Bài, ảnh: M.Toàn