(Báo Quảng Ngãi)- "Thua keo này bày keo khác", nhiều nông dân mặc dù trải qua đôi lần thất bại vẫn quyết tâm bám đất, giữ rừng và đầu tư vốn, gầy dựng những mô hình mới để vực dậy kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu.
Trang trại quy mô vườn – ao – chuồng của anh Võ Thanh Mười, thôn Sơn Châu, xã Long Sơn (Minh Long) được nhiều người biết đến từ nhiều năm trước. Năm 2013, anh Mười đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại để phát triển kinh tế gia đình. Những năm đầu, giá cả ổn định, anh thu về từ 100 – 150 triệu đồng/năm từ các mô hình sản xuất tại trang trại này. Nhưng sau đó, vợ chồng anh đành phá bỏ chuồng trại nuôi heo, vì giá cả "tụt dốc" dài hạn.
“Gần một năm nay, gia đình tôi nuôi heo không hiệu quả, nên bị lỗ vốn hoàn toàn. Nếu mình cứ nuôi “cầm chừng” thì biết khi nào heo mới lên giá. Tiền đầu tư vào thức ăn, công cán cũng đã “ngốn” gần hết số tiền lời mấy năm nay thu được. Tôi đành phá chuồng và tìm hướng mới để sản xuất”.
Cùng với việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì, anh Mười vẫn giữ lại ao nuôi cá để phát triển kinh tế. |
Được bạn bè mách bảo, đầu tháng 4.2017, anh bắt tay vào xây dựng nhà máy thu mua và chế biến tinh bột mì ngay trên mảnh đất gần 5.000m2 của mình. Đầu tư nhà máy này, anh sẽ thu gom mì trên địa bàn huyện Minh Long và các huyện lân cận để sản xuất, chế biến tinh bột và cung ứng các nơi gần xa.
Chia sẻ về mô hình mới, anh Mười cho biết: “Thua keo này thì mình bày keo khác để làm ăn, chứ không thể bỏ đất hoang được. Mô hình nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột mì này tôi được bạn bè hướng dẫn kỹ thuật, nên mình cũng yên tâm. Nếu được tôi sẽ thu mua mì cho bà con và cung cấp tinh bột cho địa phương và các tỉnh lân cận”.
Còn với anh Đinh Ê ở thôn Làng Vang, xã Thanh An (Minh Long), hồi mới lập nghiệp chỉ có hơn 3ha keo. Khoảnh rừng keo ấy không đủ nuôi sống gia đình, nên năm 2003 anh quyết định vay mượn và mở thêm cơ sở xay xát gạo. Những năm kế tiếp, anh mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi bò thịt, phát triển diện tích rừng keo và đầu tư thêm 2 xe tải để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Ê chia sẻ: “Ở đây phải dựa vào rừng mới "sống" được và phải kết hợp nhiều mô hình mới có thể làm giàu được. Bên cạnh đó, con cái lớn dần, nên mình tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm các mô hình để chúng hỗ trợ với mình, có như vậy mới giúp con cái cùng làm kinh tế. Nếu không có những mô hình này, chắc chúng cũng bỏ quê mà đi làm ăn các nơi khác rồi”.
Với ý chí bám đất, giữ rừng, từ khi lập nghiệp đến nay, hầu như anh Ê chưa lần nào thất bại. Hằng năm, vợ chồng anh thu về từ 150 – 200 triệu đồng từ các mô hình kinh tế của gia đình. Nhờ đó anh trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của huyện Minh Long.
“Từ lúc khởi nghiệp đến nay, mình không còn là hộ nghèo. Bà con xóm làng hỏi mình cách làm ăn, mình luôn sẵn sàng giúp đỡ. Quan trọng nhất chính là phải biết quý trọng mảnh đất nơi mình sinh sống và quyết tâm phát triển kinh tế để giữ lấy nó”, anh Đinh Ê nói.
Bài, ảnh: MẠNH KHOA