TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 2: Tạo dựng môi trường khởi nghiệp Nghị quyết 35 của Chính phủ ban hành năm 2016 đặt ra những mục tiêu, giải pháp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (KN), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020. Tại Quảng Ngãi, thực hiện Nghị quyết 35, việc tạo dựng môi trường KN ngày càng hoàn thiện. Điều đó đã thổi luồng gió mới, truyền cảm hứng KN cho nhiều bạn trẻ. |
Học khởi nghiệp ngay trên giảng đường
Tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận với môi trường thực tế, là một trong những hoạt động của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nhằm giúp sinh viên nâng cao kiến thức về kinh tế, kỹ năng làm việc đội nhóm.
Một ý tưởng độc đáo do nhà trường thực hiện trong thời gian qua, là thuê trọn gói mặt bằng quán cà phê để sinh viên trực tiếp điều hành. Ở đó, sinh viên trở thành kế toán, thu ngân, nhân viên của quán... được học hỏi và tiếp cận với các công việc liên quan đến kinh doanh.
Anh Phan Trọng Tuấn (áo trắng) ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) một trong những doanh nhân trẻ thành đạt trong nhiều lĩnh vực. |
Để ươm mầm tinh thần KN cho các bạn trẻ, trong những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã đổi mới chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội va chạm thực tế.
Thạc sĩ Bùi Tá Toàn- Trưởng khoa Kinh tế, chia sẻ: “So với những thế hệ sinh viên trước, sinh viên bây giờ có những ý tưởng KN táo bạo hơn. Nhà trường đã đưa môn Khởi sự doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy (trừ chuyên ngành sư phạm). Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về KN cho tất cả sinh viên”.
Tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, việc mở các lớp KN tập trung cho sinh viên năm cuối. Tính đến nay, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị mở 3 lớp bồi dưỡng kiến thức, cũng như trau dồi kinh nghiệm KN cho sinh viên.
Ông Châu Văn Lương - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong các chương trình nghiên cứu khoa học của sinh viên, chúng tôi hướng các em đến những sản phẩm có tính ứng dụng vào thực tiễn. Đó cũng là cách để các em KN sau khi ra trường. Hiện chúng tôi đã học hỏi nhiều cách làm hay từ mô hình Trung tâm khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh để áp dụng...
Thành lập Quỹ Khởi nghiệp
Môi trường KN hiện nay đã tạo nhiều thuận lợi, nhưng điều đó không tỷ lệ thuận với sự thành công. Đó là nhận định của hầu hết những doanh nhân thành đạt, chuyên gia tư vấn về KN.
Đam mê KN là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Hiện nay có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ KN. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn chưa tiếp cận được các kênh này.
Theo anh Phan Trọng Tuấn ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), để hỗ trợ những ý tưởng độc đáo, khả thi mang lại hiệu quả, thành công cao cũng như phòng ngừa, hạn chế rủi ro, thất bại, các bạn trẻ cần nhiều dịp gặp gỡ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm KN.
Để hỗ trợ cho những ý tưởng KN độc đáo, cũng như tạo được sức lan tỏa, mới đây Sở KH&ĐT phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ngãi đã phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Quảng Ngãi 2017".
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái, chia sẻ: "Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được 10 ý tưởng KN. Hiện tại chúng tôi đang viết đề án thành lập Quỹ Khởi nghiệp. Mục đích là đến tháng 10, khi những ý tưởng KN mà Ban Tổ chức nhận được đạt kết quả trong cuộc thi, sẽ trích kinh phí từ quỹ để hỗ trợ cho những ý tưởng KN độc đáo, có khả năng thành công cao".
Cũng từ đầu năm đến nay, Sở KH&ĐT đã ký hợp đồng với Tỉnh đoàn tổ chức 3 lớp KN tại các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Ba Tơ. Đồng thời đã mở 3 lớp bồi dưỡng về KN cho những doanh nghiệp mới thành lập; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở 1 lớp về KN.
“Ở đâu có khát khao, đam mê làm giàu chính đáng thì ở đó sẽ “khai sinh” ra những ý tưởng KN độc đáo. Các bạn trẻ có ý định KN đừng nghĩ đó là những việc gì quá to tát. Khởi nghiệp có thể từ những việc làm nhỏ nhất. Các bạn thanh niên ở nông thôn thì có thể KN ngay quê nhà của mình, khai thác những lợi thế đặc thù của địa phương. Vốn liếng KN đầu tiên phải từ chính bản thân, vốn sống mà bạn trải nghiệm. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công của một ý tưởng KN", Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái chia sẻ.
Bài, ảnh: N. VIÊN- B.HÒA