NMLD Dung Quất: Sẵn sàng vận hành trở lại sau bảo dưỡng

01:07, 13/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Đến thời điểm này, công tác bảo dưỡng tổng thể lần 3 Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã cơ bản hoàn thành, nhiều hạng mục đã xong và bắt đầu khởi động. Dự kiến đến ngày 21.7, NMLD Dung Quất sẽ đạt 100% công suất vận hành, vượt kế hoạch bảo dưỡng tổng thể 5 ngày.
 
 Hoàn thành khối lượng khổng lồ và phức tạp
 
NMLD Dung Quất là công trình được đánh giá có công nghệ phức tạp bật nhất hiện nay, thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, các nhà thầu cùng các kỹ sư của BSR đã hoàn thành một khối lượng khổng lồ dường như không tưởng.
 
Theo đánh giá, các nhà thầu tham gia bảo dưỡng tổng thể  (BDTT) lần 3 NMLD Dung Quất đều là những nhà thầu có năng lực và nhiều kinh nghiệm. Ba nhà thầu nước ngoài trúng thầu đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều là nhà thầu có kinh nghiệm bảo dưỡng các NMLD trên thế giới, 2 trong số 3 nhà thầu chính này đã tham gia thực hiện các lần bảo dưỡng trước.
 
v
Phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) -Trái tim của NNML Dung Quất đang giai đoạn hoàn thành bảo dưỡng

Quá trình BDTT, các nhà thầu hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ với 2.150 hạng mục thiết bị tĩnh, 58 tổ hợp thiết bị quay quan trọng, 303 thiết bị điện; 3.475 hạng mục thiết bị tự động hóa; 30 cải tiến kỹ thuật. Bên cạnh đó, hơn 22.000 thao tác kỹ thuật khác nhau, sử dụng và thay thế trên 5.000 đầu mục vật tư phụ tùng…

Trong đó, phức tạp nhất là 2 gói thầu các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy (gồm gói thầu số 1 là Phân xưởng RFCC và gói thầu số 2 gồm các phân xưởng U16/17/21 và NHT, CCR, ISOM, CDU, KTU, LTU, NTU, PRU).

Phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) có quy trình hoạt động phức tạp nên BDTT lần 3 tốn nhiều công sức nhất. Để ra được dòng sản phẩm, phân xưởng RFCC nhận cặn chưng cất khí quyển từ phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) cho đi lần lượt vào cụm 4 tháp (gồm D1501, D1502, D1503 và T1501) phản ứng với chất xúc tác để tạo ra sản phẩm.
 
Cụ thể, tại tháp D1501, hỗn hợp cặn chưng cất khí tiếp tục chuyển đến tháp tách chính T1501 để tách và tạo ra các sản phẩm: sản phẩm đỉnh (như khí đốt, LPG); xăng nặng; dầu diesel; dầu đốt FO. Hai tháp D1502 và D1503 là tháp tái sinh xúc tác, xử lý xúc tác.
 
Cụm tháp phản ứng và tái sinh xúc tác – thuộc phân xưởng RFCC có chiều cao chừng 67m, tương đương toà nhà 15 tầng, nơi được mệnh danh là “trái tim” của nhà máy. Đây cũng là một nơi quy tụ những công việc phức tạp, khó khăn nhất trong quá trình bảo dưỡng với thời gian làm việc 24/24. 
 
Kỹ sư Lê Nguyễn Quốc Vinh-  Trưởng ban bảo dưỡng sữa chữa và kiểm tra thiết bị (BSR) cho biết, việc bảo dưỡng của phân xưởng RFCC khó khăn nhất. Qua thời gian hoạt động gần 10 năm với điều kiện nhiệt độ cao, khiến lớp bê tông cách nhiệt có độ rắn tăng lên mỗi ngày. Công nhân phải dùng máy cắt bằng nước áp suất cao (tương đương 2.500kg/cm2) mới có thể phá vỡ lớp bê-tông cách nhiệt. 
 
Tháp cao hàng chục mét nên phải chia ra mỗi nhóm công nhân phụ trách đoạn tháp chừng 2m, luân phiên nhau làm việc cả ngày lẫn đêm. "Trong khi đó, tổng diện tích lớp gạch cách nhiệt cần sửa chữa lên tới 250 m2. Sau khi bắn vỡ lớp gạch này, kỹ sư làm khuôn, đổ bê tông đặc biệt, sấy bằng máy gia nhiệt với nhiệt độ 350 độ C trong vòng 72 giờ mới hoàn thành công việc"-  Kỹ sư Lê Nguyễn Quốc Vinh cho biết.
 
Hạng mục Phao rót dầu một điểm neo (SPM) đã hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể và ngày 5/7/2017 đã tiếp nhận tàu dầu thô đầu tiên
Hạng mục phao rót dầu một điểm neo (SPM) đã hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể và đã tiếp nhận tàu dầu thô đầu tiên.
 
Việc BDTT lần 3 NMLD Dung Quất không chỉ có ở trên bờ mà các công nhân, kỹ sư nhà thầu và BSR phải thực hiện ngoài biển với điều kiện sóng gió vô cùng khó khăn, đó là gói 7, bảo dưỡng tại phao rót dầu không bến (SPM). 
 
Anh Nguyễn Ngọc Dũng-  Phó trưởng Ban Quản lý cảng biển cho biết, Gói 7 phải thực hiện một số công việc lớn như thay thế 2 ống mềm chìm; thay thế đường dây thủy lực và đường dây tín hiệu; sửa chữa 2 mắt xích để neo tàu; sơn lại phao SPM; sửa chữa bảo dưỡng 2 hệ thống thủy lực; thay thế các mặt pin năng lượng mặt trời…
 
Việc nào cũng đòi hỏi độ chính xác, an toàn tuyệt đối, bởi tính chất công việc làm chủ yếu dưới mặt nước. "Kế hoạch của gói 7 sẽ thực hiện trong 22 ngày, nhưng chỉ phải làm 20 ngày, vượt 2 ngày"- Anh Dũng thông tin.
 
Đến ngày 21.7, sẽ đạt 100% công suất vận hành
 
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh- Trưởng ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR cho biết,  BDTT lần 3 NMLD Dung Quất tính đến nay đã gần như hoàn thành, an toàn tuyệt đối cả về con người, thiết bị công nghệ, không có công việc phải làm lại. 
 
Hiện các gói thầu như gói 2, 3, 5, 6, 7 và một số gói in-house khác đã đạt 100% tiến độ đề ra. Trước đó, NMLD Dung Quất đã khởi động một số hạng mục khác như Điện – Hơi, hệ thống cung cấp khí, cung cấp nước biển, hệ thống nhập dầu thô…
 
Đặc biệt, phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được bàn giao, khởi động lại sau khi bảo dưỡng tổng thể lần 3.
 
Công tác BDTT NMLD Dung Quất lần 3 cơ bản đã hoàn thành
Công tác BDTT NMLD Dung Quất lần 3 cơ bản đã hoàn thành và sẵn sàng cho vận hành trở lại
 
Đây là một trong những phân xưởng công nghệ đầu tiên khởi động lại, đánh dấu tiến độ của đợt BDTT)NMLD Dung Quất đã, đang đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phân xưởng CDU khởi động lại giúp Nhà máy chuẩn bị nguồn nguyên liệu là cặn chưng cất khí quyển cho phân xưởng RFCC – trái tim của Nhà máy để sản xuất ra các sản phẩm xăng dầu khác nhau.  
 
Quá trình khởi động lại diễn ra đúng với quy trình vận hành như sau: Thổi hơi làm sạch hệ thống đường ống, thiết bị. Sau đó, đóng van, tăng áp, kiểm tra rò rỉ trước khi đưa dầu thô vào chưng cất dự kiến khoảng ngày 14/7. Sau đó 1 ngày, CDU sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên sau BDTT.
 
Phân xưởng RFCC (Residue Fruid Continous Cracking - phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi liên tục) được bàn giao một phần (cụm thiết bị tách T1501 để chuẩn bị khởi động trước). Ngày 16.7, sẽ bàn giao cụm thiết bị phản ứng và tái sinh. Dự kiến ngày 21.7, NMLD Dung Quất sẽ đạt 100% công suất vận hành, vượt kế hoạch BDTT 5 ngày.
 
Cũng theo ông Lê Nguyễn Quốc Vinh thì trong quá trình khởi động lại BSR rất chú trọng khâu kiểm tra rò rỉ, kiểm tra các tổ hợp máy nén, hệ thống điều khiển. BSR đã bố trí nhân sự 24/24 tại các điểm quan trọng để giám sát, vận hành. 
 
Bài, ảnh: M.Toàn

.