(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng người dân xây dựng hàng quán, cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản ven đê, kè ven sông, biển ảnh hưởng rất lớn đến an toàn công trình. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vì chưa có chế tài và hành lang an toàn công trình chưa được quy hoạch.
Đê kè Hòa- Hà, công trình ngăn mặn lớn nhất tỉnh, hiện có hàng chục hàng quán, bè nổi nằm sát mái đê, còn khu vực biển Sa Huỳnh, cạnh cầu Thạnh Đức và kè Mỹ Á, Sa Huỳnh cũng bị biến thành nơi nuôi trồng thủy sản, bãi neo đậu tàu thuyền. Dù Chi cục Thủy lợi đã nhiều lần kiểm tra, thậm chí gửi văn bản yêu cầu địa phương chấn chỉnh, xử lý, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó.
Bè nổi, quán “neo” chân đê
Từ khi công trình đê kè Hòa- Hà hoàn thành đưa vào sử dụng, giao thông thêm thuận lợi và dịch vụ ăn uống phát triển. Theo người dân, ban đầu chỉ có vài hộ buôn bán nhỏ “ăn theo” khu vực Bãi Dừa. Tuy nhiên, khi giao thông thuận lợi, lượng khách ngày càng đông, nên hàng quán, bè nổi mọc lên ngày càng nhiều. Điều đáng nói, để xây quán hoặc cố định bè nổi, các chủ quán phải đóng cọc xuyên qua mái đê. Dù biết việc làm này ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhưng hầu như chủ các quán, bè nổi vẫn cứ làm.
Ngư dân neo đậu tàu trong khu vực hành lang kè Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) ảnh hưởng đến an toàn công trình. |
Theo đại diện Chi cục Thủy lợi, tình trạng người dân xâm lấn hành lang an toàn công trình thủy lợi để xây quán, dựng bè dễ làm công trình bị sạt lở, sụt lún. Bởi, mái đê có kết cấu lớp vải bảo vệ nhằm chống trôi đất từ thân đê. Nếu người dân đóng cọc xuyên qua mái đê, lớp vải này sẽ bị rách, đất đá từ thân đê sẽ tràn ra ngoài, gây hư hỏng công trình. Nhưng bất chấp nguy hại này, dịch vụ kinh doanh ăn uống tại đê kè Hòa- Hà vẫn ngày càng nở rộ.
Trong khi đó, tại Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), điểm cầu Thạnh Đức và kè Mỹ Á, Sa Huỳnh, người dân không chỉ nuôi trồng thủy sản ngay trong khu vực hành lang an toàn công trình, mà còn biến khu vực này thành bãi rác lớn. Thậm chí, dù đã có bãi neo đậu tàu thuyền bên cạnh, nhưng một số ngư dân vẫn đậu tàu ở hành lang.
Điều này không chỉ đe dọa an toàn công trình, mà người dân cũng bị thiệt hại. Đó là tàu thuyền bị hư hỏng do va đập, rồi hàng loạt lồng bè nuôi thủy sản ở xã Phổ Thạnh liên tục bị chết do môi trường nước vùng nuôi bị ô nhiễm nặng bởi rác thải, chất thải và dầu máy.
Cần quy hoạch
Theo đại diện Chi cục Thủy lợi, tình trạng người dân neo bè, quán ăn vào mái đê, ngay trong hành lang bảo vệ công trình xảy ra trên nhiều điểm thuộc đê kè Hòa- Hà cũng như khu vực biển Sa Huỳnh. Tuy nhiên, những công trình trên đã được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, nên Chi cục Thủy lợi chỉ có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý.
Vì chính quyền địa phương xuê xoa, không thông báo các trường hợp vi phạm, nên khi phát hiện, Chi cục Thủy lợi cũng chỉ biết... tuyên truyền, hoặc gửi văn bản đến các đơn vị liên quan đề nghị hỗ trợ can thiệp.
Đơn cử như ở đê kè Hòa- Hà. Trong khi Chi cục Thủy lợi cho rằng tình trạng các quán ăn, bè “dựa” vào đê gây mất an toàn công trình thì, chính quyền địa phương lại cho rằng “không vấn đề gì”. “Dù “dựa” vào mái kè, nhưng các quán ăn, bè vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn cho phép với công trình”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Nguyễn Thanh khẳng định.
Còn về khu vực kè Sa Huỳnh, Mỹ Á, chính quyền địa phương cho rằng, rất khó chấn chỉnh tình trạng người dân vứt rác thải, xâm phạm hành lang an toàn công trình để nuôi thủy sản hoặc neo đậu tàu thuyền. Ngoài lý do thiếu nơi sản xuất, mưu sinh thì những khu vực này chưa được quy hoạch, không gắn biển cấm, nên người dân không biết.
Tương tự, khu vực đê kè Hòa- Hà hiện đã tạo tuyến giao thông liên hoàn, thuận lợi nên chính quyền xã Nghĩa Hà và Nghĩa Hòa cũng phàn nàn là “rất khó xử lý” vì... chưa có chế tài!
Để vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả công trình, vừa tạo điều kiện cho người dân làm ăn buôn bán, chính quyền các địa phương cần đề nghị ngành chức năng quy hoạch khu vực, giới hạn mốc và số lượng phương tiện được phép sử dụng; đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trong quá trình xây dựng.
Bài, ảnh: MỸ HOA