(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, nhiều ngư dân trong tỉnh đã nhạy bén nắm bắt thị trường, chuyển sang đầu tư công nghệ đánh bắt cá giấu đầu lòi đuôi. Đây là một loại cá đặc sản mà thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ. Song, chưa trọn niềm vui vì cá được mùa, ngư dân lại chán nản bỏ nghề vì giá cá liên tục hạ.
Để bắt được cá giấu đầu lòi đuôi, một loại hải sản sống dưới lòng biển sâu, ngư dân Quảng Ngãi không dùng các loại ngư lưới cụ truyền thống, mà sử dụng thùng phuy nhựa đục lỗ, làm lờ thả xuống biển nhử cá (ở những vùng khác, người ta thường dùng lưỡi câu nhỏ để đánh bắt loại cá này-PV). Theo bà con ngư dân, đây là phương thức đánh bắt mới do ngư dân tự chế rồi truyền nhau thực hiện.
Gần 1.000 lờ nhựa trị giá 300 triệu đồng của ngư dân Phạm Trí Thức giờ đành xếp xó, vì giá cá hạ dài. |
Ngư dân Huỳnh Nhơn, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Vị trí đánh bắt cá giấu đầu lòi đuôi thường cách bờ khoảng 100 hải lý. Khi ra khơi, mỗi tàu chỉ cần mang theo từ 300-500 lờ nhựa rồi thả 2 lần/ngày là có thể thu về từ 2- 4 tấn cá sau khoảng chục ngày đánh bắt”.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để “dẫn dụ” được cá vào các lờ nhựa, ngư dân tốn rất nhiều công sức chế mồi nhử. “Cá giấu đầu lòi đuôi rất kén ăn. Chúng chỉ ăn các loại cá ngừ, bánh lái, cá nục còn tươi, nên mỗi phiên biển, ngoài chi phí xăng dầu, chúng tôi phải đầu tư thêm một khoản chi phí khá lớn để mua mồi. Trung bình một ngày, cứ 1.000 lờ nhựa thả xuống, cần khoảng 5 tạ cá mồi”, ngư dân Nguyễn Văn Thắng, ở xã Tịnh Kỳ cho biết.
Không chỉ kỳ công trong khâu đánh bắt, mà khâu bảo quản cá cũng khá công phu. Bởi, giá cá giấu đầu lòi đuôi còn sống và chết chênh lệch nhau có khi lên đến 10 lần. Vì vậy, ngay sau khi đánh bắt, ngư dân phải đổ cá vào hầm kín chứa nước biển, sau đó dùng máy sục oxy cả ngày lẫn đêm để giữ cá sống cho đến khi về bờ.
Sáng tạo ra cách đánh bắt mới và rất vất vả, kỳ công trong bảo quản để giữ chất lượng cá, nhưng giá bán cá giấu đầu lòi đuôi thời gian qua lại liên tục giảm, khiến bà con ngư dân e dè trong vươn khơi.
Nhìn 1.000 chiếc lờ nhựa tự chế để bắt cá giấu đầu lòi đuôi giờ phải xếp trên bờ, ngư dân Phạm Trí Thức trầm ngâm: “Thấy loại cá này được giá nên hồi đầu năm tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng mua phuy nhựa cùng nhiều dụng cụ khác về tự chế thành các lờ săn cá. Ai ngờ, mới theo nghề được 3 tháng, giá cá đã rớt từ 200-300 nghìn đồng/kg cá sống xuống còn hơn 100 nghìn đồng, không đủ bù vào tiền tổn, công sức bỏ ra, nên tôi đành bỏ ngang”.
Không thể dùng ngư cụ săn cá giấu đầu lòi đuôi để đánh bắt các loài cá khác cũng không thể bán đi để thu hồi vốn, nên các chủ tàu đành bỏ không ngư cụ. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều chủ tàu ở Tịnh Kỳ, dù bán cá đặc sản từ đầu năm, nhưng đến nay một số thương lái lại chưa trả tiền, khiến ngư dân đã khó càng thêm khó.
“Ngư dân chúng tôi đã kỳ công đầu tư công nghệ bảo quản, mang được con cá biển còn sống về đến đất liền, vậy mà vẫn bị ép giá. Giá mà ngư dân chúng tôi được hướng dẫn, giúp tìm kiếm đầu ra...”, ngư dân Phạm Trí Thức mong mỏi.
Bài, ảnh: Ý THU