(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có 334 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, là một “gánh nặng” đối với ngân sách. Trong khi đó, chất lượng hoạt động của đơn vị SNCL có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả. Do đó, việc đổi mới cơ chế từ bao cấp sang tự chủ là vấn đề cần đẩy mạnh.
TIN LIÊN QUAN
Nhiều đơn vị SNCL đang tỏ ra lo lắng vì tự chủ về tài chính thì chẳng biết xoay sở thế nào. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị dù đang “chạy đà” để tự chủ, nhưng vẫn chưa hình dung đường đi nước bước, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể...
Ngân sách nặng gánh
Trong tổng số 334 đơn vị SNCL thuộc UBND tỉnh, sở, ngành, hội đoàn thể, với 8.838 biên chế, thì có 282 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, 44 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 8 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Ngoài ra, còn có 1.863 lao động hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị và hợp đồng theo Nghị định 68.
Theo chủ trương, việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL là nhằm đổi mới toàn diện, cũng như đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng, một torng những đơn vị phải tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020. |
Theo lộ trình trên, đến năm 2020 sẽ giảm 20 đơn vị sự nghiệp và đến 2025 giảm khoảng 1.563 biên chế. Riêng phương án tự chủ tài chính và dự toán, tổng kinh phí giao quyền tự chủ về tài chính năm 2017 cho các đơn vị sự nghiệp công lập là 731 tỷ đồng, giảm 195 tỷ đồng so với năm 2016.
Các đơn vị lo lắng
Từ trước đến nay, hầu hết các đơn vị SNCL được ngân sách chi trả, nên đôi khi chất lượng công việc không đạt kết quả như kế hoạch đề ra, dẫn đến dư luận không tốt. Vì thế, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL ra đời được đánh giá là bước đột phá trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.
Cơ chế mới này nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân khi tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển. Đồng thời, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị tỏ ra “bối rối” khi phải thực hiện việc này. Theo PGS.TS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, dự kiến năm 2017 nhà trường thực hiện tự chủ 40% về tài chính, năm 2018 tự chủ 50%, năm 2019 tự chủ 60%, năm 2020 tự chủ 70% và đến năm 2022 tự chủ 100%.
“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, định mức kinh tế- kỹ thuật chưa có quy định cụ thể, nên việc xác định tự chủ về tài chính theo lộ trình rất khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến quá trình tự chủ của trường”, PGS.TS Phạm Đăng Phước nói.
Còn Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, cho rằng: "Nhà nước bao cấp và chúng tôi được UBND tỉnh giao sắp xếp các đơn vị trực thuộc sở, có nghĩa là chỉ làm bậc trung học phổ thông. Trong khi đó, Sở Tài chính yêu cầu làm các bậc học còn lại là không đúng, vì đó là biên chế của huyện".
Lộ trình tự chủ tài chính đã được đưa ra. Thế nhưng, đến thời điểm này nhiều đơn vị tỏ ra băn khoăn, vì chưa biết sẽ làm như thế nào, nếu tự chủ. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho rằng, các đơn vị trực thuộc sở từ chỗ “sống bao cấp” đã khó, giờ tính theo năng suất công việc, để tạo định mức thì càng khó khăn hơn, vì khó xây dựng định mức công việc cũng như không tìm ra nguồn thu.
Phòng TN&MT TP. Quảng Ngãi khối lượng công việc rất nhiều, nhưng thiếu người. |
Trong khi đó, đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông lại càng khó hơn, dù là những đơn vị có thu. Theo lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thì nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo, nhưng hiện nay các mạng xã hội, hàng trăm kênh truyền hình, báo mạng ra đời... hút hết nguồn quảng cáo.
Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh chỉ đưa ra thời hạn tự chủ, nhưng chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn danh mục dịch vụ công, nên chưa biết phân bổ định mức công việc ra sao, dẫn đến khó thực hiện theo lộ trình tự chủ.
Đặt hàng chứ không cấp trọn gói
Lo lắng của các đơn vị SNCL là có cơ sở. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, đây là yêu cầu bắt buộc vừa giảm chi ngân sách, vừa tạo điều kiện để các đơn vị phát triển độc lập. Do đó, trong giai đoạn đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức kinh tế- kỹ thuật, các đơn vị trường học tạm thời lấy chi phí bình quân 3 năm liền kề trước đó theo ngân sách tỉnh đã giao để xác định giá dịch vụ, nhưng không cao hơn trung bình 3 năm liền kề, để làm định mức kỹ thuật thực hiện.
“Các sở, ngành, đơn vị tập trung hoàn chỉnh phương án tự chủ về tài chính và hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công; định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức chi phí của từng danh mục dịch vụ, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trên tinh thần Kết luận 184-KL/TU ngày 11.10.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, tự chủ tài chính đơn vị SNCL là bước đi cần thiết. “Biết là sẽ khó cho một số đơn vị khi chưa có danh mục, định mức công việc rõ ràng, nhưng phải tính ngược lại. Thí dụ lâu nay mỗi năm được giao 1 tỷ đồng thì anh phải có danh mục thực hiện công việc, chứ không thể phân bổ 1 tỷ cho anh mà không có định mức công việc, đơn giá từng phần việc rõ ràng. Phải nghiên cứu dự toán và thực tế mỗi phần việc bao nhiêu tiền mới có cơ sở để nhà nước cấp. Nhưng phải khẳng định là tới đây, nhà nước đặt hàng công việc chứ không bao cấp như trước nữa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, nhấn mạnh.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC