Bộ NN&PTNT nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh Bình Định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu.
Ảnh: VGP/Minh Trang |
Tỉnh Bình Định đề nghị 2 cơ sở đóng tàu là công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu không nhận hợp đồng đóng mới tàu cá để tập trung sửa chữa, khắc phục đối với các tàu cá Bình Định đang bị hư hỏng.
Ngày 9/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị chuyên đề Đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tại Hội nghị, các đại biểu gồm lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, đại diện cơ sở đóng tàu, ngân hàng cùng ngư dân tỉnh Bình Định đã tập trung bàn luận, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tình trạng tàu vỏ thép liên tục hư hỏng khiến ngư dân thiệt hại nặng vì nằm bờ trong thời gian qua.
Thẩm định lại chất lượng tàu vỏ thép hư hỏng
Các ngư dân phản ánh hàng loạt tàu cá vừa ra khơi đã hư hỏng, cơ quan chức năng cần truy trách nhiệm cơ sở đóng tàu, đồng thời yêu cầu các cơ sở này nhanh chóng khắc phục để ngư dân ra khơi.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh đã có 56 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu với các ngân hàng, trong đó 47 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composite, 4 tàu vỏ gỗ. Các ngân hàng đã giải ngân cho 56 hợp đồng với số tiền trên 816 tỷ đồng, dư nợ cho vay hiện tại khoảng 813 tỷ đồng.
Qua kiến nghị của ngư dân, tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trong đó, 5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong tình trạng sơn vỏ tàu bị bong tróc, vỏ tàu, mặt boong, cabin, hầm bảo quản kém chất lượng, bị thay đổi thiết kế… Đối với 13 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu có tình trạng thân vỏ tàu bị gỉ sét, trong đó có 4 tàu hư hỏng nặng về máy chính, máy phát điện, hầm bảo quản…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra của đoàn công tác tỉnh với các tàu vỏ thép bị hư hỏng, 2 công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu đã cam kết chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện, vỏ tàu, hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra, hỗ trợ 100% chi phí thiết kế chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới vây sang nghề lưới chụp nếu chủ tàu có đầy đủ hồ sơ chuyển đổi nghề theo quy định.
Ngày 2/6, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định thành lập Tổ thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67. Kết quả ban đầu, Tổ thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng như thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc, sơn không bảo đảm theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế. Chất lượng con tàu chưa bảo đảm và việc giám sát của chủ tàu chưa phù hợp.
Dự kiến trước ngày 20/6, tỉnh sẽ báo cáo kết quả, đề xuất các biện pháp giải quyết cho Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết.
Kiên quyết loại bỏ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện
Đề xuất tại Hội nghị, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đề nghị 2 cơ sở đóng tàu kể trên không nhận hợp đồng đóng mới tàu cá để tập trung sửa chữa, khắc phục đối với các tàu cá Bình Định đang bị hư hỏng.
Đồng thời, đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ địa phương trong việc thẩm định, đánh giá để xác định rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu, các trang thiết bị đã được thi công, cung cấp so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân và cơ sở đóng tàu đối với các tàu cá bị hư hỏng trong thời gian vừa qua; kiến nghị hỗ trợ ngư dân kinh phí thuê tư vấn giám sát trong quá trình giám sát đóng mới tàu vỏ thép.
Đề xuất Bộ yêu cầu các UBND các tỉnh, thành ven biển rà soát, đánh giá lại việc công bố cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá, đặc biệt là tàu vỏ thép; kiên quyết loại bỏ những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoặc đóng tàu không đúng với chất lượng cam kết.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ sẽ sát cánh cùng UBND tỉnh Bình Định trong việc xử lý những tàu vỏ thép hư hỏng. Trước mắt, Bộ nhất trí với đề nghị của Bình Định là tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Hai đơn vị đóng tàu nói trên phải có trách nhiệm khắc phục những hư hỏng.”
“Về những tàu bị gỉ sét vỏ thép, Bộ NN&PTNT đồng ý phương án thay mới vật liệu theo hợp đồng đã ký; những tàu bị sự cố về máy đề nghị đơn vị cung cấp máy thay máy mới chính hãng, đồng bộ cho ngư dân và khắc phục các lỗi khác liên quan. Sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ chấn chỉnh công tác đăng kiểm; chấn chỉnh cả về văn bản lẫn nhiệm vụ thực thi; hoàn thiện báo cáo trước 20/6 để trước 30/6 báo cáo với Chính phủ”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh nhất quyết phải thẩm định từng con tàu một, nhanh chóng có báo cáo việc kiểm tra tàu đóng theo Nghị định 67 hư hỏng để Bộ có hướng xử lý.
Minh Trang/Chinhphu.vn