(Baoquangngai.vn)- Tăng năng suất cây lúa bằng sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh trưởng là “chuyện thường ngày” của người nông dân thì việc trồng lúa sạch, lúa hữu cơ tưởng chừng như nghịch lý, nông dân lại “hít” trong thời điểm này.
TIN LIÊN QUAN
Gặp chúng tôi trên cánh đồng liên kết sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ ở thôn An Phước, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), chị Nguyễn Thị Xi đang cắt cỏ cho bò xởi lởi bộc bạch: “Hầu hết bà con “hít” trồng lúa sạch. Trồng lúa sạch “khỏe re”, sướng nhất là không còn phải mang bình xịt thuốc, ra đồng hít thở không khí trong lành, cắt cỏ cho trâu, cho bò ăn cũng không lo cỏ nhiễm thuốc; tôm, cá, cua tha hồ vùng vẫy chứ không chết phơi mình như thời phun thuốc trước đây”.
Đây là vụ thứ hai, hơn 120 nông dân ở xã Hành Dũng sản xuất thử nghiệm lúa sạch, lúa hữu cơ theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín, với diện tích gần 20ha. Vụ đông xuân 2016 - 2017, lần đầu tiên hơn 260 hộ nông dân ở xã Hành Dũng và Hành Nhân liên kết làm lúa sạch, lúa hữu cơ trên diện tích 30ha.
Bà con ai cũng hớn hở vì được doanh nghiệp cam kết hỗ trợ 50% chi phí vật tư nông nghiệp, băm đất để diệt trừ cỏ dại, được bảo hiểm năng suất, bao tiêu 100% sản phẩm và không còn phải tự tay mang bình ra đồng phun thuốc mà công việc này đã có kĩ thuật viên làm thay, phân bón sử dụng là loại phân bón hữu cơ do công ty cung cấp và bón theo quy trình do công ty đưa ra.
Nhưng niềm vui chẳng tày gan khi cả cánh đồng lúa cằn cỗi, mọi người bắt đầu sốt ruột, hoài nghi về mô hình. Một số bà con quá nóng ruột sợ mất mùa, đòi ra khỏi mô hình mang phân hóa học ra bón, mang thuốc kích thích sinh trưởng ra xịt.
Sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ giúp người dân hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. |
Vụ đầu tiên sản xuất lúa theo quy trình khiến nông dân vừa làm vừa hồi hộp, vì chưa biết hiệu quả thế nào? Nỗi lo lắng ấy không lấy làm lạ vì xưa nay bà con mình vốn quen với làm ruộng bón phân hóa học, xịt thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng vô tội vạ, nay dùng thuốc sinh học, phân hữu cơ hạn chế, nhưng lúa vẫn cho năng suất cao khó mà tin được.
“Trước đây, cứ vài ngày chúng tôi lại bón phân, xịt thuốc, một vụ xịt thuốc từ 8 đến 10 lần, nay nông dân “khỏe re”, càng về sau, thấy lúa bắt đầu phất lên, cây đều đẹp, tôi mới “giác ngộ”, tin chắc họ đã đúng”- chị La Thị Liên, ở thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân chia sẻ.
Ông Tiêu Tuận- Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hành Nhân phấn khởi tâm sự: Nếu như trước đây, một sào lúa bà con đã bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật, tiền công thuê người phun, đó là chưa kể đến sự nguy hại của các loại thuốc này đến sức khỏe và môi trường. Với mô hình này, chỉ tốn 12.000 đồng/sào/vụ, cả tiền thuốc sinh học lẫn tiền công phun. Cái lợi nhất của việc sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ là lợi đến môi trường và sức khỏe.
Kết quả, đúng theo dự đoán, 30ha lúa sản xuất theo mô hình của bà con nông dân ở xã Hành Dũng và Hành Nhân ở cho năng suất cao hơn dự kiến trung bình 5 tạ/ha. Lúa sản xuất theo quy trình sạch là 65 tạ/ha, lúa sản xuất hữu cơ là 45 tạ/ha, chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận bình quân tăng từ 20 - 25% so với làm lúa thông thường mà lại không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.
Người dân tham quan mô hình sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ ở xã Hành Nhân vào vụ đông xuân 2016-2017. |
Nông dân Nguyễn Thịnh ở thôn An Sơn, xã Hành Dũng cho biết: “Lần đầu tiên hơn 2 sào lúa đen sản xuất theo mô hình lúa hữu cơ tôi bán tươi tại ruộng với giá 9.300 đồng/kg, thu được gần 10 triệu đồng. Quan trọng hơn là không phải hít mùi thuốc trừ sâu độc hại, tôi và bà con rất “hít” sản xuất lúa sạch”.
Đây là vụ thứ hai sản xuất theo mô hình sạch, hữu cơ, tuy còn mới mẻ, nhưng bước đầu đã cho người nông dân thấy được hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tư duy, ý thức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Mô hình đã nâng cao giá trị thu nhập nhờ bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh hại theo phương pháp hữu cơ. Do vậy độ phù của đất được duy trì ổn định và không bị thoái hóa, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Văn Tấn- Giám đốc Công ty Nông Tín cho biết, với thành công bước đầu ở vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017 ở xã Hành Nhân và Hành Dũng, Công ty tiếp tục triển khai sản xuất ở vụ hè thu 2017 với diện tích gần 20ha ở xã Hành Dũng, còn Hành Nhân phải tạm dừng để công ty làm thủ tục điều chỉnh về giống lúa theo nhu cầu đầu ra.
Hiện nay đầu ra có nhu cầu tiêu thụ giống lúa thơm nên trong các vụ tới công ty sẽ sản xuất đa dạng giống lúa để phù hợp với thị trường tiêu thụ. Sau 4 vụ sản xuất thử nghiệm, công ty sẽ nhân rộng mô hình để sản xuất được nhiều lúa gạo sạch đáp ứng nhu cầu người dân trong nước, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: A.KIỀU