Khắc khoải nghề gốm Phổ Khánh

05:06, 30/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- “Cũng chẳng hơn gì làm nông, nhưng nghề gốm là cha ông mình truyền lại, phải cố mà giữ. Làm ra sản phẩm thì đơn giản, đi bán gốm mới là chuyện khó. Ấy vậy nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, rồi có người vẫn sống được với nghề...”,  Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh (Đức Phổ) Nguyễn Minh Hoàng nói về nghề gốm truyền thống của quê mình.

TIN LIÊN QUAN

Nơi “hòn đất có hồn tươi sáng”

Tháng năm, chưa đến sáu giờ sáng mà nắng đã đổ đầy sân cơ sở gốm Lê Phương Nam, ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh. Thợ gốm đã lục tục kéo đến, để bắt đầu một ngày làm việc. Cánh đàn ông xén đất, rưới nước, nhào trộn. Phụ nữ thu dọn số gốm của ngày hôm trước, chuyển sang một sân phơi khác, để lấy chỗ “ra lò” cho những sản phẩm gốm mới.

 

Làm đẹp sản phẩm gốm trước khi đem phơi
Làm đẹp sản phẩm gốm trước khi đem phơi.


Với hơn 20 năm trong nghề, người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn Nguyễn Thị Quang có hơn 7.000 nghìn ngày đi về nơi cái lò gốm của gia đình anh Lê Phương Nam. Thu nhập từ nghề gốm cũng đủ để bà chăm lo cho cuộc sống gia đình của mình.

Bà Quang lấy bàn chày bằng gỗ, tròn, to bằng cái mâm, có thể xoay quanh trục cố định bắt đầu kéo đất, nặn gốm. Trong tích tắc bà Quang đã biến cục đất to bằng cái bắp chuối thành một chiếc trả xinh xắn. Mỗi ngày bà nặn khoảng vài trăm cái trả, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Với người dân quê, đây là mức thu nhập cao.

Nhưng ở cái lò gốm này không phải ai cũng giỏi và thạo nghề như bà Quang cả. Có nhiều người chỉ thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày, nhưng nghề gốm vốn như ăn vào máu thịt, hằng ngày họ vẫn tới đây để làm.

Bà Nguyễn Thị Tim, nhà ở làng gốm Trung Sơn ngày ngày vẫn đều đặn đến lò gốm để làm việc. Vì tuổi cao, công việc của bà được ưu ái nhất, với việc cạo đất thừa, làm cho những chiếc trả, niêu, ấm... trơn tru, đẹp hơn. Mỗi cái tiền công chỉ 600 đồng, nhưng bà Tim vẫn cảm thấy hài lòng.

“Tôi quen cái hơi ngai ngái của đất đồng, hăng hăng của gốm mới ra lò. Thiếu nó tôi thấy cuộc sống mình nhạt hẳn. Vào làm gốm, có thêm thu nhập, lại có người trò chuyện. Con cái giờ chúng nó đi làm ăn xa, ở nhà một mình thấy quạnh hiu lắm!”.

Chủ nhân của lò gốm là anh Lê Phương Nam mới 28 tuổi. Học chuyên ngành công nghệ thông tin, Nam từng có một công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh. Nhưng cách đây 4 năm, anh rời đô thị lớn nhất nước, quay về quê "đầu quân" cho lò gốm của cha mình.

Kiến thức chuyên ngành chẳng liên quan gì đến trộn đất, nặn gốm, vào lò, nung gốm, nhưng Nam bảo: “Nó giúp tôi kỹ năng tìm bạn hàng, tạo đầu ra cho gốm. Làm ăn bây giờ có chút kiến thức cũng dễ dàng hơn”.

Tuy là chủ lò gốm có tiếng, nhưng Nam lúc nào cũng chân lấm, tay bùn. Khâu nào khó nhất trong quy trình làm gốm là anh đảm nhiệm. Với cách sắp xếp khoa học, lò gốm khoảng 2.500 sản phẩm một mình Nam làm trong 1 – 2 ngày là xong. Thời gian nung gốm kéo dài 14 tiếng. Đó chính là khoảng thời gian để ông chủ trẻ dành cho việc kiểm tra lại các sản phẩm, chuẩn bị cho mẻ nung tiếp theo.

Sắp xếp gốm vào lò để nung
Sắp xếp gốm vào lò để nung


Nghỉ trưa, Nam ngồi lại bên cửa lò gốm và kể câu chuyện “gốm gọi tôi về". Nam bảo: "Tôi sinh ra bên cạnh lò gốm. Lớn lên, ăn học nhờ vào nghề gốm của cha mẹ. Tôi đã từng nghĩ, mình sẽ thoát khỏi cái nghề lấm lem bùn đất này, nên chọn và quyết tâm học công nghệ thông tin.

Thế rồi, cứ như có sợi dây ràng buộc, sau khi ra trường, mỗi ngày tôi đều nghĩ đếm gốm. Và chỉ từ khi tôi quay về với cái lò gốm này, tôi mới tìm thấy nguồn vui trong lao động. Gốm dù làm từ đất, cứ ngỡ vô tri, nhưng gốm lại có hồn tươi sáng lắm!".

Lắm khắc khoải, chông chênh

Ở Phổ Khánh giờ chỉ còn một số lò gốm hoạt động, tập trung ở hai thôn Trung Sơn và Vĩnh An. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh Nguyễn Minh Hoàng giới thiệu về hoạt động của nghề gốm. Bên Quốc lộ 1, phía trước là cửa hàng trưng bày sản phẩm, còn phía sau là nơi sản xuất gốm. Gốm vẫn ra lò và chuyển đi nhiều tỉnh, thành tiêu thụ. Nhưng người làm gốm bảo: Gốm giờ ế ẩm. Chỉ có người giỏi tìm thị trường thì mới sản xuất ổn định.

Nhiều lao động trong lò gốm chỉ ước có được nhiều việc làm như ngày trước. “Trước, mỗi khi bạn hàng đốc thúc, chủ lò gốm yêu cầu mình tăng ca, làm thêm hoài. Giờ thì không còn nữa. Cũng mong gốm có nhiều người mua, để mình còn làm bán”, anh Huỳnh Văn Út một thợ gốm bày tỏ.

 Gốm thành phẩm
Gốm thành phẩm


Phổ Khánh, vùng đất đồi xen kẽ, là xã thuần nông. Chỉ mỗi làm gốm là thuộc diện “thương mại”. Thế nhưng, mỗi năm, con số hộ gia đình sống bằng nghề này đều giảm. Nguồn thu của xã từ thương mại, dịch vụ cũng chẳng đáng là bao. Nghề gốm lao đao do thị trường thu hẹp.

Từ trước đến nay, những lò gốm chỉ biết làm ra sản phẩm và xuất bán tại lò. Gốm đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng phải qua trung gian. Khi những người buôn gốm bỏ nghề, gốm làm ra không ai tiêu thụ. Những lò gốm hiện nay đang hoạt động ở xã Phổ Khánh là do chủ lò năng động, tìm nguồn tiêu thụ và nhạy bén trong sản xuất.

Theo những chủ lò gốm ở Phổ Khánh, hiện nay gốm chủ yếu đưa đi Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên- Huế. Về khuôn mẫu cũng không phải là cứ sản xuất như trước đây nữa. Hầu hết đã hướng theo thị trường cần gì, lò gốm sản xuất thứ ấy.

Hiện ở một số lò gốm có rất nhiều sản phẩm hình dáng khác thường, khó thể khép vào với tên gọi niêu, trả, trách hay ấm. Đó chính là sản phẩm làm theo đơn đặt hàng. Hầu hết loại hàng này đều làm thủ công. Còn các loại sản phẩm gốm thông dụng, đã được đúc khuôn, hình thức khá đẹp, đồng đều, da gốm láng mịn. Hiện tại, giá bình quân khoảng 15.000 đồng/sản phẩm. Trong đó, niêu cơm giá rẻ nhất, chỉ khoảng 5.000 – 7.000 đồng; trả đất, ấm và bếp lò giá cao hơn và cao nhất là 40.000 đồng/sản phẩm.

Ở làng gốm Phổ Khánh, nghề này không chỉ chông chênh ở đầu ra. Với đầu vào là nguyên liệu đất sét cũng là nỗi lo không nhỏ. Hiện tại tất cả các lò gốm ở Phổ Khánh đều mua đất ở Phổ Cường, nhưng giá đất sét mỗi ngày đang tăng rất mạnh.

Chủ mỏ đất thông tin đến các lò gốm là thực hiện chủ trương hạn chế khai thác đất sét. Khi nguồn cung hạn chế, dẫn đến giá đất trên thị trường tăng cao. Từ 1,25 triệu hồi sau Tết, nay tăng lên 1,75 triệu đồng/m3, nhưng không phải có tiền là mua được.

Một chủ lò gốm tâm sự: “Nghề gốm Phổ Khánh hiện đang đối diện với cái khó cả đầu ra lẫn đầu vào. Đến một lúc nào đó, quá khó, nghề truyền thống này chắc cũng sẽ bị khai tử!”.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


.