(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả mang lại nhiều lợi ích, thế nhưng nông dân vẫn băn khoăn, vì lo khâu tiêu thụ gặp khó.
TIN LIÊN QUAN
Từ năm 2013-2016, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 3.200ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu. Riêng vụ hè thu 2017, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 1.465ha đất lúa kém hiệu quả, nâng tổng diện tích chuyển đổi trong năm 2017 đạt 2.092ha.
Chuyển đổi là cần thiết
Vụ hè thu 2016, nắng nóng kéo dài, một số hồ chứa chỉ đạt 30-40% dung tích thiết kế, nên tình trạng thiếu nước sản xuất diễn ra nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 190ha lúa ở cuối kênh bị thiệt hại, năng suất giảm 30-70%.
Riêng 250ha lúa chân cao, không chủ động nước tưới phải bỏ hoang, hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác. Khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương vận động nhân dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu các loại, mè, rau các loại...
Tại các xã Đức Thắng, Đức Nhuận (Mộ Đức), hàng chục hécta đất lúa chân cao, thiếu nước đã được nông dân chủ động chuyển sang trồng đậu phụng, bắp.
Ông Nguyễn Tấn Sinh, ở xã Đức Thắng cho biết, nếu như cây lúa cho năng suất 40-50 tạ/ha, thì bắp đạt 8-9 tấn/ha, một số giống bắp lai chịu hạn hiện nay cho năng suất 11-12 tấn/ha. Vì vậy, lợi nhuận cây bắp mang lại cao gấp đôi lúa. “Làm lúa khỏe hơn, nhưng trồng đậu, bắp ít tốn chi phí mà lợi nhuận lại cao hơn”, ông Sinh khẳng định.
Trong khi đó, nông dân huyện Bình Sơn lại chọn đối tượng chuyển đổi chính là cây ớt. Với giá trị thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha, cao gấp 8-9 lần cây lúa, nên những năm gần đây, diện tích trồng ớt liên tục được mở rộng không chỉ ở huyện Bình Sơn, mà trong toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Huyện, ở xã Bình Dương cho biết: “Trồng ớt cũng nhọc công như lúa, rồi giá cả nay được mai mất, nhưng thu nhập vẫn cao hơn lúa”.
Dù mang lại hiệu quả cao khi thay lúa, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở thu mua, chế biến bắp, khiến nông dân e ngại chuyển đổi giống cây trồng. |
Theo kết quả nghiên cứu của Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, năng suất bắp trên đất chuyển đổi đạt trên 82 tạ/ha, lợi nhuận 20 triệu đồng/ha, cao hơn cây lúa gần 54%. Ngoài ra, việc chuyển đổi còn giảm 40-50% lượng nước tưới.
Thu nhập cao hơn lúa từ 1,7-2,8 lần. Điều này cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng tính bền vững trong sản xuất.
Nhưng băn khoăn đầu ra
Đồng tình với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhưng ông Nguyễn Văn Lợi, ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) băn khoăn khâu tiêu thụ sản phẩm. “Diện tích chuyển đổi ngày càng lớn, sản phẩm thu được cũng sẽ tăng, nên nông dân rất dễ rơi vào cảnh bị thương lái chèn ép giá”, ông Lợi bày tỏ.
Không chỉ ông Lợi, mà rất nhiều nông dân trong tỉnh cũng bày tỏ sự e ngại, khi chuyển đổi đồng loạt hàng nghìn hécta đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu, mè, rau các loại... Bởi trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm này vẫn chưa có cơ sở thu mua, chế biến. Việc tiêu thụ mang tính nhỏ lẻ và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Chia sẻ lo lắng với nông dân, ông Phạm Bá - Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin, Công ty Cổ phần CP vừa xây dựng Nhà máy chế biến bắp tại tỉnh Bình Định nên đầu ra của bắp Quảng Ngãi sẽ bớt bấp bênh.
Tuy nhiên, khi ông Lợi đặt vấn đề “đơn vị nào sẽ làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân”, thì các ngành chức năng và chuyên môn đều lúng túng, vì chưa kết nối được với DN. “Chúng tôi chỉ yên tâm khi được doanh nghiệp hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Và hợp đồng này phải do chính quyền đứng ra thực hiện”, ông Lợi cho biết.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các giải pháp thực hiện việc chuyển đổi vẫn còn chung chung, chưa mang tính đột phá.
Thực tế, việc triển khai tổ chức sản xuất không khó. Cái khó là giải pháp cho khâu tiêu thụ, để người dân yên tâm tham gia chuyển đổi. Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Trần Văn Khởi cho rằng, những vướng mắc về kỹ thuật, tổ chức và chỉ đạo sản xuất có thể giải quyết được, nhưng vấn đề liên kết tiêu thụ là bài toán khó mà các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương vẫn chưa có lời giải thấu đáo.
“Vì vậy, trong khi đợi chính quyền xây dựng các chính sách thu hút, kết nối với doanh nghiệp, nông dân có thể “tự cứu mình” bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất đúng quy hoạch và tuân thủ quy trình, để giảm chi phí đầu ra, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Khởi cho biết.
Bài, ảnh: MỸ HOA