Triển vọng sản xuất rau sạch ở Sơn Hà

07:05, 27/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Trước tiềm năng, lợi thế của vùng đất mình canh tác, người dân thôn Gia Ry (xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà) đang nuôi ước vọng xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau sạch ngay tại địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Vùng đất “vàng” bên dòng sông Rin

Tháng 5 khi khắp nơi đang chuẩn bị các công đoạn xuống giống vụ lúa hè thu thì ở những doi đất nằm dọc sông Rin, các hộ dân cũng  tất bật với công việc chăm sóc các thửa rau màu.

Từ bao đời nay, người dân trong vùng xem đây là vùng đất “vàng”, ai sở hữu được một vài sào cũng gọi là có của ăn, của để. Bởi, với đồng bào vùng cao, so với việc canh tác lúa thì dĩ nhiên trồng các loại rau, hoa màu hay vài cây lâm nghiệp ngắn ngày vẫn có đồng tiền “to” để dành.

Gia đình ông Lê Kim Thành, 63 tuổi, là một trong những hộ như thế. Chúng tôi có dịp được trải nghiệm những thành quả mà ông chăm bón trong vài tháng với dưa leo, khổ qua xanh mướt nằm trên những hàng manh tre chạy dọc, những trái bí đỏ nặng tới vài ký nằm ẩn mình dưới những tán lá.

“Đất màu mỡ, phì nhiêu lắm, lại thuận tiện đủ thứ. Mùa nào trồng rau đó, không sót một vụ. Vào mùa hè thì không sợ khô hạn, vì luôn có dòng sông Rin bên cạnh. Mùa mưa không lo lũ lụt, vì các doi đất nằm ở vị trí cao hơn. Canh tác cây gì cũng đều tươi tốt, đơm hoa, kết trái”, ông Thành nói.

Ông Thành có 6 sào đất ở Gia Ry thì cả thảy 6 sào đều trồng rau màu. Trong đó, có 2 sào khổ qua, 2 sào bí đỏ, 2 sào dưa leo. Nghề trồng rau ở đây tuy có có lúc khó khăn do thị trường, nhưng người trồng vẫn có nguồn thu ổn định hơn so với trồng mía hay mì. Nếu thị trường đảm bảo đầu ra, người dân sẽ có thu nhập và an tâm hơn với nghề.

 

Thôn Gia Ry trước đây là một vùng chuyên canh mía, mì cho giá trị kinh tế thấp.
Thôn Gia Ry trước đây là một vùng chuyên canh mía, mì tươi tốt nhưng cho giá trị kinh tế thấp.

Ông Thành bảo, chi phí đầu tư cho các cây trồng này không tốn kém mấy, trung bình 5 triệu một sào, mỗi năm ông cũng thu về được vài trăm triệu đồng. Ấy vậy nhưng ông Thành vẫn khiêm tốn cho rằng “mình trồng ít mà”. Rồi ông kể thêm một vài hộ như hộ ông Võ Tuấn, hộ bà Lê Thị Phước trồng bí đao… có nhà trên chục sào.

Điều đáng nói, đất đai màu mỡ, tươi tốt nên trong quá trình trồng rau, người dân ở đây đều hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc trừ sâu bệnh.

“Rau mình trồng ra trước hết cho con, cháu trong vùng sử dụng, bà con ở đây ai cũng đều thống nhất với nhau quan điểm trồng rau sạch để xuất bán cho thị trường”, ông Trương Anh Tuấn, 45 tuổi bộc bạch.

Quy hoạch vùng chuyên canh rau sạch

Trước tiềm năng, lợi thế của vùng đất ở Gia Ry, người dân trong thôn ước vọng xây dựng một vùng chuyên canh sản xuất rau sạch đầu tiên tại Sơn Hà.

Nói đến lợi thế canh tác, theo đánh giá, nơi đây có nhiều thuận lợi. Theo ông Đinh Văn Trung- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà, địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn đi kiểm tra tình hình thực tế, khảo sát các chỉ số khoa học về thổ nhưỡng, đất đai. Tất cả đều đảm bảo trong điều kiện cho phép, không bị nhiễm chì, nhiễm độc, đường giao thông lại khá thuận lợi.

Thuận lợi hơn nữa là vùng đất này có cơ sở, “nền tảng” từ một vùng chuyên canh mía trước đây. Diện tích rộng lớn. Đất “sạch” và chưa có tác động nhiều của chất hóa học, thuốc trừ sâu.

 

Những vườn rau  dưa leo, khổ qua, bí đỏ... cho giá trị kinh tế cao đang dần
Những vườn rau dưa leo, khổ qua, bí đỏ... cho giá trị kinh tế cao đang dần "phủ" lên diện tích mía, mì. Người dân nuôi ước vọng về một vùng chuyên canh rau sạch phát triển trong tương lai.
 
Những người sở hữu đất là dân trong vùng, chứ không phải từ nơi khác đến. Tuy nhiên, quá trình triển khai hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí người dân còn thấp, quá trình sản xuất còn mộc mạc, thô sơ, vốn đầu tư hạn hẹp.
 
Trước những khó khăn, Trạm khuyến nông huyện đang cố gắng phối hợp cùng người dân tìm hướng đi mới trong việc chọn cây giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn công nghệ cao, một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.
 
Để việc hình thành vùng chuyên canh qui mô, xã Sơn Trung đã thành lập, đưa vào hoạt động Hợp tác xã sản xuất rau sạch nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, qui hoạch diện tích trồng rau với 20ha, 12 hộ tham gia.
 
Theo kế hoạch, hợp tác xã sẽ trồng hơn 10 loại rau. Ngoài các loại rau truyền thống, còn tìm đến việc tìm các giống rau ngoại nhập, cho năng suất, sản lượng cao hơn đem về trồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc sinh học pha chế từ các loại thực vật thiên nhiên để chăm bón cho cây.
 
Lâu nay, nông dân ở thôn Gia Ry đã quen với việc sản xuất rau. Vì thế, việc sản xuất đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng theo các tiêu chí rau sạch, sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...
 
Đây là cơ sở để huyện Sơn Hà từng bước ứng dụng các mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cung ứng sản phẩm rau có chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.


                                                                                                                           Bài, ảnh: Thiên Hậu
 


.