(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tư Nghĩa đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng toàn ngành khá cao và ổn định; thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện. Hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả
Từ nhiều năm qua, việc chăn nuôi heo thương phẩm đã góp phần cải thiện cuộc sống cho gia đình chị Trần Thị Nguyệt (43 tuổi) ở xóm 1, thôn Hoà Phú (Nghĩa Hoà). Chị Nguyệt là người tiên phong áp dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót trong chăn nuôi heo.
Đưa giống lúa mới vào gieo sạ góp phần tăng năng suất lúa. |
Chị Nguyệt cho biết, nuôi heo trên đệm lót thì phân và nước thải được nền đệm phân huỷ hết, mùi hôi giảm gần như 100%, đệm lót được làm 1 lần trước khi nuôi đã tiêu huỷ hết những gì heo thải ra. Vì vậy chị không còn lo tắm heo, dội chuồng hằng ngày, mặc dù gần khu dân cư, nhưng môi trường trong lành, không ô nhiễm. Hơn nữa, khẩu phần thức ăn không hoàn toàn là cám viên tổng hợp nữa, mà dần dần thay vào đó là cám gạo, cám bắp, cá tạp sẵn có ở địa phương và luôn sử dụng chế phẩm sinh học trộn vào thức ăn hằng ngày để giảm chi phí thức ăn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hằng năm thu nhập từ đàn heo của gia đình chị hơn 50 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện Tư Nghĩa còn triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21 trang trại, tăng 3 trang trại so với cùng kỳ năm 2016. Thời gian qua, kinh tế trang trại ở Tư Nghĩa tiếp tục được sự quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; xây dựng nông thôn mới... Nhờ đó, mô hình kinh tế này đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô và giá trị sản phẩm hàng hóa, góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn và gắn với thị trường, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.
“Tái cơ cấu có nghĩa là tạo ra giá trị cao hơn trên cùng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phải gắn với thị trường tiêu thụ. Dựa trên các tiêu chí này, từng địa phương sẽ lựa chọn cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất phù hợp, nhưng quan trọng là phải có sự tham gia liên kết của doanh nghiệp”. Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa LÊ TRUNG THÀNH |
Nhờ chủ động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên bước đầu huyện Tư Nghĩa đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng thu hút nhiều nông dân tham gia. Như tại xã Nghĩa Thắng, hiện có hơn 500 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh có 6 hộ, cấp huyện có hơn 120 hộ và hơn 400 hộ cấp xã. Từ phong trào này, nông dân Nghĩa Thắng đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng cây keo lai, chăn nuôi gia trại, nuôi cá nước ngọt, nuôi cá lồng bè dọc theo sông Trà...
Nông dân thấy được lợi ích thì mới thành công
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết, huyện xác định mục tiêu then chốt của tái cơ cấu nông nghiệp là người nông dân. Quá trình thực hiện đề án phải giúp thay đổi tư duy, nhận thức người nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp, nếu bắt đầu từ người nông dân sẽ thay đổi có tính đột phá. Từ đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển ngày một bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống.
Theo đó, nhiệm vụ trước tiên trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện là phải cho người dân thấy được lợi ích mà việc tái cơ cấu mang lại. Do đó, các cấp, ngành của huyện đã tuyên truyền sâu rộng đến tận người dân, giúp họ nhận thức rõ hơn về cơ chế, chính sách, hình thức hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và trách nhiệm của địa phương, của thôn xóm và của mỗi hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, đối với những cây trồng chủ yếu như lúa, huyện đã cơ cấu giống mới, góp phần tăng năng suất, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Năm 2016, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt gần 60 nghìn tấn.
Việc chuyển những diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng là một trong những nội dung được huyện quan tâm. Trong 2 năm (2015 - 2016), huyện đã chuyển đổi được gần 150ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, bắp, ớt... cho thu nhập bình quân 70- 80 triệu đồng/ha. Triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, giúp nông dân đưa các tiến bộ khoa học, cơ giới hóa vào sản xuất. Từ các mô hình này, sau khi trừ các chi phí nông dân còn lãi từ 6 - 7 triệu đồng/ha.
Bài, ảnh: M.HẠ - NG.TRIỀU