(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm, cánh đồng hẹ sẻ với diện tích hơn nửa hecta của ông Nguyễn Tấn ngụ ở thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Không chỉ cần mẫn làm giàu từ nghề nông ở quê hương, ông còn cần cù chăm sóc rẫy cà phê hơn 1,5ha ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Nhọc nhằn một cảnh hai quê
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng hẹ sẻ của ông Nguyễn Tấn đang giai đoạn thu hoạch. Vừa nhổ hẹ, ông Tấn bảo: “Thu hoạch xong vài sào hẹ này, tôi còn tranh thủ lên Bảo Lộc tưới nước, bón phân cho vài hecta cà phê nữa. Một cảnh hai quê cũng cực, nhưng cố gắng làm mới dư giả được!”.
Với tính cần cù, chịu khó nên giờ ông Tấn đã là chủ hơn nửa hecta hẹ sẻ ở Đức Chánh và 1,5 ha cà phê ở Lâm Đồng. |
Sau một thời gian bôn ba ở Sài Gòn, năm 1995 ông Tấn quyết định về Bảo Lộc đầu tư trồng cà phê. Nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc nên vài năm sau, cây cà phê của ông Tấn nhanh chóng cho thu hoạch và đạt năng suất cao.
Sau khi có một số vốn ổn định trong tay, năm 1998 ông Tấn trở về Đức Chánh để cùng vợ, con phát triển trồng trọt, chăn nuôi tại quê mình. Và mô hình trồng hẹ sẻ được ông thử nghiệm, sau đó nhân rộng diện tích.
Giờ đây, kinh tế đã vững, nhà cửa khang trang, con cái thành đạt, nhưng ông Tấn vẫn đi về chăm lo sản xuất ở hai vùng đất. Tuy sống “một cảnh hai quê, một thân hai nghề” nhiều vất vả, nhưng ông Tấn vẫn vượt qua bằng nghị lực của mình.
“Cứ ăn Tết xong chừng mùng 10 là tôi lại khăn gói lên Bảo Lộc chăm sóc cà phê, nửa tháng sau về lại dưới này. Cực nhất là lúc vừa thu hoạch cà phê trên đó, vừa thu hoạch hẹ mà thời gian có hạn. Đi lại gấp gáp nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Một năm trên dưới 12 chuyến đi về từ Mộ Đức lên Bảo Lộc và ngược lại...”, ông Tấn tâm sự.
“Quả ngọt” từ sự nhẫn nại
Giờ đây với cánh đồng hẹ sẻ hơn nửa hecta và 1,5 hecta cà phê ở Lâm Đồng cho ông Tấn thu nhập ổn định 200 triệu/năm. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông trở nên khấm khá hơn. “Hồi trước, mình cứ lo chăm nơi này, thất thu nơi kia. Nhưng sau khi tính toán thì mình đã quán xuyến được công việc ở từng nơi. Nhờ đó không bị thất thu, không mất mùa”, ông Tấn chia sẻ.
Trong thời gian tới, ông Tấn vẫn giữ hai mô hình này ở hai vùng đất khác nhau để phát triển kinh tế gia đình. “Hai nghề này đã gắn bó với tôi hơn 22 năm, giờ bỏ đi thì tiếc lắm! Khi nào còn sức thì mình cứ làm. Đi đi về về giữa hai vùng đôi khi cực, nhưng lo được cho vợ, cho con cuộc sống đầy đủ là tôi hạnh phúc rồi”, ông Tấn nói.
Bài, ảnh: MẠNH KHOA