(Báo Quảng Ngãi)- Chàng kỹ sư cơ khí Nguyễn Văn Thiệp (29 tuổi) ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đi đầu trong cải tiến quy trình, kỹ thuật trồng nấm rơm.
Tốt nghiệp ngành cơ khí tại Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, anh Thiệp vào làm việc cho Công ty Bảo vệ thực vật An Giang và bắt đầu học tập mô hình trồng nấm rơm bằng bông vải tại tỉnh An Giang. Sau 5 năm học tập và nắm vững quy trình kỹ thuật, anh quyết định về quê xây dựng và làm giàu từ mô hình trồng nấm rơm trên bông vải.
Đến thăm nơi sản xuất của anh Thiệp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cơ ngơi 1.200m2 với từng dãy mô bông vải, bên trong là nấm. "Ngày đầu lập nghiệp, anh chỉ đầu tư xây dựng khoảng 100m2 nhà trại để trồng nấm. Nhưng giờ thì đủ kinh nghiệm để mở rộng quy mô sản xuất", anh Thiệp tâm sự.
Mô hình trồng nấm rơm trên bông vải của anh Nguyễn Văn Thiệp. |
Anh Thiệp cho biết, mỗi một khâu chăm sóc đều ảnh hưởng đến năng suất của nấm. Nguyên liệu bông vải phải đảm bảo. Nguồn bông vải tốt hiện nay được anh Thiệp mua từ Hà Nam với giá 3.500 đồng/kg. Bông vải sau khi mua về phải xử lý và ủ vài ngày mới làm thành mô nấm, có rất nhiều ưu điểm, dễ làm, cho năng suất cao. Giá và nguồn bông nguyên liệu tương đối ổn định. Việc mua và vận chuyển bông vải dễ dàng, không bị phụ thuộc vào mùa vụ như khi sử dụng nguyên liệu là rơm.
Theo đúng kỹ thuật, sau khi cấy mô 12 ngày thì nấm sẽ cho quả, lúc này anh Thiệp bắt đầu thu hoạch nấm. Sản phẩm nấm rơm trồng trên bông vải của anh Thiệp hiện được rất nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh bỏ mối cho các bạn hàng trong tỉnh, thương lái các tỉnh lân cận cũng trở thành bạn hàng thân thiết của anh Thiệp.
Mỗi vụ anh Thiệp đầu tư 1 tấn nguyên liệu bông vải và thu hoạch được 1,5 tấn nấm rơm. Với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg, dịp gần Tết giá có thể tăng lên khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg. Trừ chi phí nguyên liệu, thuê nhân công, trung bình sau mỗi vụ anh Thiệp thu được lợi nhuận trên 200 triệu đồng từ việc trồng nấm rơm. Đặc biệt, nguồn bông nguyên liệu đã qua sử dụng có thể làm phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trung Ân