(Báo Quảng Ngãi)- Kế thừa và phát huy nghề trồng tỏi của cha ông, để cùng với nông dân giữ vững chất lượng, thương hiệu “Tỏi Lý Sơn”, đôi vợ chồng trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã quay về đảo để khởi nghiệp với nghề trồng tỏi an toàn...
Cách mà đôi vợ chồng trẻ Phạm Văn Công và Nguyễn Thị Mỹ Yến chọn để lập nghiệp trên quê hương của mình là “trồng tỏi an toàn” cung ứng ra thị trường. "Vẫn trên cánh đồng ấy, vẫn giống tỏi truyền thống, nhưng mình chọn cách trồng, chăm sóc theo hướng giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật trên cây tỏi. Từ đó, cho ra sản phẩm tỏi an toàn hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng”, chị Nguyễn Thị Mỹ Yến cho hay.
Cửa hàng trưng bày, bán tỏi an toàn và một số đặc sản khác của đôi vợ chồng trẻ Phạm Văn Công - Nguyễn Thị Mỹ Yến tại đảo Lý Sơn. |
Vụ tỏi 2016, vợ chồng anh Công đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 2.000m2 tỏi theo phương thức canh tác an toàn. Sản xuất tỏi theo cách này chi phí tăng khoảng 20% và sản lượng cũng sụt giảm khoảng 30% so với cách trồng thông thường, nhưng đôi vợ chồng trẻ này vẫn rất vui. “Chúng tôi muốn góp phần giữ vững thương hiệu, chất lượng, độ an toàn của tỏi Lý Sơn. Nếu tất cả nông dân trồng tỏi ở đảo này cùng hưởng ứng phương thức canh tác tỏi an toàn, thì tỏi Lý Sơn sẽ có thêm niềm tin yêu từ người tiêu dùng, thu nhập nông dân sẽ được nâng lên”, chị Nguyễn Thị Mỹ Yến nói.
"Tôi mong muốn tất cả nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn cùng hiểu và đồng lòng trồng tỏi an toàn để giữ thương hiệu, tạo niềm tin tiêu dùng ngày càng bền vững". Giám đốc Công ty Dori PHẠM VĂN CÔNG |
Hiện tại đôi vợ chồng này đã thành lập doanh nghiệp kinh doanh tỏi Dori, với kênh phân phối tỏi đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, tại đảo Lý Sơn, họ đã đầu tư xây dựng một cửa hàng trưng bày, kinh doanh tỏi và một số đặc sản khác của đảo.
Cửa hàng lấy thương hiệu “Dori” với thông điệp “Khát vọng Lý Sơn” mỗi ngày có rất nhiều khách đến tham quan, mua sắm. Tỏi an toàn Dori giá bán 150.000 đồng/kg, cao hơn tỏi Lý Sơn thông thường 40.000 đồng – 50.000 đồng/kg, nhưng khách du lịch vẫn hài lòng, chọn mua về dùng và làm quà khi kết thúc hành trình tham quan, du lịch trên đảo. Tại cửa hàng Dori này, chủ nhân cũng chính là người trực tiếp ra đồng sản xuất tỏi an toàn còn luôn sẵn lòng chia sẻ cách thức, kinh nghiệm làm ra củ tỏi an toàn, giúp du khách hiểu hơn về khát vọng của người nông dân và nghề trồng tỏi trên đất Lý Sơn.
Công ty kinh doanh tỏi Dori đã được Sở KH&CN chọn thực hiện Dự án Phát triển chuỗi sản xuất tỏi an toàn của tỉnh. Công ty được tỉnh quy hoạch cấp 1.000m2 đất xây dựng nhà máy chế biến tỏi ngay tại Lý Sơn. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn còn khoảng 150m2 đất chưa được bàn giao cho Công ty. Vì thế, tiến độ xây dựng nhà máy chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Trao đổi với Giám đốc Công ty Dori Phạm Văn Công, anh lạc quan bảo rằng: “Tôi tâm huyết với việc trồng tỏi an toàn trên đảo Lý Sơn. Trong khi chờ đợi có mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến tỏi, tôi vẫn tiếp tục tập trung trồng tỏi an toàn để phục vụ người tiêu dùng”.
Việc trồng tỏi an toàn theo mô tả của vị giám đốc – nông dân trẻ này đó là giảm tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Sử dụng lá cây xanh, thân và lá tỏi sau khi thu hoạch ủ hoai thành phân hữu cơ bón cho tỏi. Nghe thì đơn giản, nhưng làm để hàng nghìn nông dân cùng vào cuộc để trồng tỏi an toàn quả là không thể trong một sớm một chiều. Đó là điều trăn trở lớn nhất trong hành trình “bỏ phố về đảo” trồng tỏi của cặp vợ chồng Phạm Văn Công và Nguyễn Thị Mỹ Yến...
Bài, ảnh: THANH HUYỀN