(Báo Quảng Ngãi)- Sau ĐH815-6 và ĐH99-81, hàng loạt giống lúa dòng ĐH do Trung tâm Giống Quảng Ngãi sản xuất và cung ứng tiếp tục mang niềm vui được mùa cho nông dân trong tỉnh...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuối năm 2016, giống lúa thuần ĐH815-6 do Trung tâm Giống Quảng Ngãi nghiên cứu chọn tạo đã được Hội đồng Khoa học công nghệ, Bộ NN&PTNT thông qua công nhận đặc cách. Hiện nay, đơn vị đang hoàn chỉnh hồ sơ để xác lập bản quyền đối với giống ĐH99-81. Ngoài ra, 4 giống lúa thuần chất lượng gồm: ĐH500, ĐH6-1, ĐH15-1 và ĐH11 cũng đang trải qua những giai đoạn khảo sát cuối cùng để đăng ký thương hiệu vào năm 2018.
Niềm vui từ giống “con nhà nghèo”
Những ngày này, nông dân thôn Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân với niềm vui trúng mùa, được giá. “Năng suất lúa đạt trên 75 tạ/ha, lại được Trung tâm Giống bao tiêu với giá cao, nên nông dân phấn khởi lắm”, Phó Giám đốc HTX NN Đông Hiệp Nguyễn Bá Đức cho biết.
Niềm vui trúng mùa với giống lúa ĐH99-81. |
“Các giống dòng ĐH thế hệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, đó là chất lượng gạo rất tốt. Nếu được xác lập bản quyền, các giống này sẽ đến gần hơn với nông dân, góp phần thay thế các giống cũ đã và đang có dấu hiệu thoái hóa”. Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ |
Còn ở Đức Phổ, nông dân cũng vui mùa bội thu cùng giống ĐH815-6 và ĐH99-81. “Lúa trổ gặp mưa, lạnh nên tôi cũng lo năng suất giảm. Không ngờ sáu sào ĐH99-81vẫn trổ đều, năng suất đạt 76 tạ/ha. Đã thế, thương lái mua lúa tại ruộng với giá cao, nên gia đình phấn khởi lắm”, ông Nguyễn Hoài Ban, xã Phổ Hòa cho biết. Nhiều năm nay, nông dân Đức Phổ không còn lạ với hai giống lúa thuần “nhẹ phân nặng hạt” là ĐH815-6 và ĐH99-81. Vì không chỉ được lúa, nặng hạt mà ĐH815-6 và ĐH99-81có tỷ lệ gạo đạt trên 72%, ít nát, nên “được lòng” các cơ sở sản xuất bún, bánh tráng trong tỉnh tiêu thụ. Vì vậy, nhiều hộ dân ở xã Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Hòa... thường lựa chọn giống ĐH99-81 và ĐH815-6 để sản xuất.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời tiết vụ sản xuất đông xuân năm nay thuận lợi. Tuy nhiên, thời điểm lúa trổ gặp mưa lạnh, nên một số giống lúa không thoát cổ bông, ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, cả hai giống ĐH815-6 và ĐH99-81 đều “vượt khó” với tỷ lệ lem lép hạt rất thấp, kháng bệnh rầy nâu và thối đen hạt, năng suất đạt từ 65- 75 tạ/ha. Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết, qua nhiều vụ sản xuất, hai giống lúa thuần ĐH815-6 và ĐH99-81 thể hiện được khá nhiều ưu điểm vượt trội như năng suất cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt. Đặc biệt, ĐH815-6 và ĐH99-81 rất dễ canh tác, có tính ổn định cao, phổ thích ứng rộng nên phù hợp với nhiều chân ruộng trong tỉnh, kể cả khu vực miền núi.
“Đường lớn” đã mở
Sau khi được Hội đồng KHCN các cấp thông qua đặc cách, giống ĐH815-6 và ĐH99-81 đã đến gần hơn với nông dân trong tỉnh và khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân ví von rằng: “ĐH815-6 và ĐH99-81 là hai giống “mở đường” để thương hiệu giống Quảng Ngãi vượt tỉnh, vươn ra khu vực, tiến tới toàn quốc”. Thực tế, việc xác lập thương hiệu không chỉ là cơ hội để giống ĐH815-6 và ĐH99-81 khẳng định vị trí trên thị trường, mà còn giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với các loại giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện và phương thức canh tác.
Nông dân phấn khởi với giống ĐH815-6 "nhẹ phân nặng hạt". |
Các giống dòng ĐH thế hệ mới được ngành chuyên môn đánh giá tích cực. |
Còn nhớ vụ đông xuân 2015-2016, dù mang lại niềm vui được mùa cho nhiều nông dân trong tỉnh, nhưng lúc ấy, ĐH815-6 và ĐH99-81 chưa được Hội đồng KHCN các cấp thông qua đặc cách, Sở NN&PTNT cũng chưa đưa vào cơ cấu sản xuất chủ lực của tỉnh, nên phạm vi phân phối hẹp, nông dân rất khó tiếp cận. Vì vậy, khi biết ĐH815-6 và ĐH99-81 đã có “giấy thông hành”, nhiều cơ sở kinh doanh giống trong và ngoài tỉnh hợp đồng với Trung tâm Giống Quảng Ngãi để phân phối. “Nông dân rất chuộng các loại giống dòng ĐH, đặc biệt là ĐH815-6 và ĐH99-81 nên vụ đông xuân 2016-2017, các giống này bị “cháy” hàng”, chủ đại lý giống Hà Nam, xã Đức Lân (Mộ Đức) Nguyễn Văn Nam cho biết.
Trong khi ĐH815-6 và ĐH99-81 ghi điểm với nông dân về năng suất cao thì các giống: ĐH237, ĐH210, ĐH191, ĐH128, ĐH15-1, ĐH6-1, ĐH500, ĐH11, ĐH13 và ĐH6-14 lại nổi bật về chất lượng. Không chỉ hội tụ các ưu điểm của giống “con nhà nghèo” là dễ canh tác, phổ thích ứng rộng, tính ổn định cao, chống chịu với sâu bệnh tốt; năng suất bình quân đạt từ 61-69 tạ/ha, cao hơn các giống đối chứng từ 4,6-27%... mà chất lượng gạo của những giống dòng ĐH thế hệ mới cũng vượt trội so với thế hệ ĐH815-6 và ĐH99-81. Nổi bật nhất là 4 giống: ĐH500, ĐH6-1, ĐH15-1, ĐH128, ĐH11 và ĐH13. Vì vậy, sau 5 năm “thử lửa” với nhiều chân ruộng trong tỉnh và khu vực miền Trung-Tây Nguyên, các giống ĐH500, ĐH6-1, ĐH15-1, ĐH128, ĐH11 và ĐH13 đều đã “vượt khó” để bước vào giai đoạn khảo sát cuối cùng, tiến tới xác lập bản quyền vào năm 2018.
Đây được xem là bước đột phá lớn trong công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống của Trung tâm Giống Quảng Ngãi, góp phần chủ động nguồn giống cũng như nâng cao tỷ lệ sử dụng hạt giống chất lượng của nông dân trong tỉnh.
Hai giống lúa thuần ĐH815-6, ĐH99-81 được Trung tâm Giống Quảng Ngãi chọn tạo từ tổ hợp lai giống Trang Nông 15. Trải qua 10 năm khảo nghiệm, sản xuất thử, giống ĐH815-6 và ĐH99-81 đáp ứng yêu cầu của giống lúa sản xuất đại trà về các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật. Ngoài những đặc tính ưu việt như: Ngắn ngày (vụ đông xuân 110-115 ngày, vụ hè thu 90-95 ngày), chịu lạnh, cứng cây, sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh sớm và khỏe; phổ thích ứng rộng, tính ổn định cao, dễ thâm canh; kháng bệnh tốt; gạo mềm thơm ngon, năng suất cao, phù hợp với cả hai vụ đông xuân và hè thu... thì ĐH815-6 và ĐH99-81 còn được bà con nông dân lựa chọn vì dễ làm, năng suất cao (65-75 tạ/ha), tỷ lệ gạo đạt trên 72%, dễ tiêu thụ... |
Bài, ảnh: THANH PHONG