(Báo Quảng Ngãi)- Sau Tết, trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tìm khách hàng để cho vay, thì tại Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) huyện Lý Sơn hoạt động khá nhộn nhịp. Trong đó, số khách hàng đến vay 100 triệu đồng trở lên để đầu tư phát triển sản xuất ngày càng tăng.
"Bà đỡ" của nông dân
Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dẫn đến chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn cũng tăng lên gấp bội. Trong đó, hành và tỏi là hai loại cây sản xuất chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân đất đảo. Không giống như các cây trồng khác, để đầu tư trồng 1 sào hành hoặc tỏi, người dân Lý Sơn phải mất từ 13 – 15 triệu đồng. Do đó, nhu cầu về vốn là rất lớn, nhất là những năm mất mùa.
Nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng, mà ông Nguyễn Thìn đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho 6 sào hành, tỏi của mình. |
Nhiều năm là khách hàng của Agribank Lý Sơn, ông Nguyễn Thìn, xã An Hải (Lý Sơn) cho biết: “Làm hành tỏi chi phí rất cao. Chỉ tính riêng khoan một cái giếng và mua đường ống đã hết 100 triệu đồng. Đó là chưa kể có năm thời tiết thất thường, dẫn đến mất trắng như vụ tỏi năm trước, nông dân chúng tôi chẳng biết xoay sở đâu ra tiền để đầu tư tiếp nếu không có Ngân hàng NN&PTNT huyện nhanh chóng cho vay”.
Những năm gần đây, nguồn nước ngọt ở Lý Sơn ngày càng cạn kiệt. UBND huyện đã có văn bản cấm người dân trên đảo đào, khoan giếng mới để bảo vệ nguồn nước ngầm. Vì vậy, để tiết kiệm nước tưới cũng như công lao động, đa số người dân đã vay vốn để lắp đặt hệ thống tưới phun tự động phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trừ số ít vùng xa nước tưới, thiếu hệ thống đường dây điện thì người dân mới tưới bằng đường ống như trước.
Không chỉ đầu tư vốn cho nghề nông, Agribank Lý Sơn còn triển khai cho bà con ngư dân trên đảo tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ, để mua ngư lưới cụ và cải hoán tàu thuyền vươn khơi bám biển. Ông Lê Hơn, xã An Hải chia sẻ: “Tôi cùng với nhiều anh em khác muốn có tàu để đi làm nghề khai thác rau chân vịt, nhưng thiếu vốn. Sau đó tôi vay của Ngân hàng NN&PTNT huyện 100 triệu đồng hùn vốn đóng tàu. Cũng nhờ làm ăn hiệu quả, nên đến nay tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải Nguyễn Trí Thức, cho biết: “Chỉ cần bà con có nhu cầu vay vốn, Hội Nông dân xã đề xuất danh sách lên là ngân hàng kiểm tra, làm thủ tục cho vay ngay. Nhờ nguồn vốn của Agribank Lý Sơn mà bà con mới có vốn để làm ăn. Agribank thật sự đã trở thành “bà đỡ” của nông dân đất đảo”.
Tiếp tục đẩy mạnh cho vay
Là ngân hàng thương mại duy nhất đóng chân ở huyện đảo, nhiều năm qua, Agribanhk Lý Sơn đã đồng hành cùng với người dân đất đảo, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, từ khi triển khai cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ với lãi suất giảm hơn so với lãi suất thông thường từ 2 - 3% thì nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng nhiều.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Lý Sơn trên 130 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm tới 96%. Dư nợ tín dụng đến thời điểm này trên 157 tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm. Giám đốc Agribank Lý Sơn Võ Phú Tài, cho hay: “Nhiều năm qua tổng dư nợ cho vay của Agribank Lý Sơn luôn cao hơn tổng nguồn vốn huy động. Để đảm bảo nguồn cho người dân vay, Ngân hàng đã sử dụng vốn của ngân hàng trung ương. Đây cũng là một trong những ưu điểm của Agribank Lý Sơn trong điều kiện các ngân hàng đang khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng”.
Nguồn vốn giải ngân nhanh trong những tháng đầu năm cho thấy, nhu cầu của người dân huyện đảo vẫn còn nhiều. Do đó, trong năm 2017 này, bên cạnh việc huy động vốn thì Agribank Lý Sơn sẽ tăng cường cho vay để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến 20%.
Bài, ảnh: HỒNG HOA