(Baoquangngai.vn)- Thiên nhiên hào phóng ban tặng những cảnh đẹp hoang sơ, quyến rũ nên đảo Bé thuộc xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan, khám phá. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều người dân ở đây bắt đầu mở các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách, qua đó, giúp thay đổi sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.
Những năm trở lại đây, đảo Bé trở thành “thiên đường” du lịch được hàng chục ngàn du khách lựa chọn trong hành trình khám phá thiên nhiên của mình. Tận dụng thời cơ “vàng” này, vợ chồng ông Bùi Công (81 tuổi) ở xã đảo An Bình đã nghĩ ra cách xây dựng cây cầu bắc qua ghềnh đá khá đẹp trước nhà để du khách khi đến đây, đi qua cầu ra ghềnh đá tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Với mỗi lượt khách qua cầu, vợ chồng ông Công thu 5.000 đồng.
Ông Bùi Công bày tỏ: Thấy du khách mỗi khi đến tham quan đảo Bé đều đến khu vực ghềnh đá trước nhà để chụp hình lưu niệm và ngắm cảnh. Tuy nhiên, do ghềnh đá nằm cách bờ khoảng 50 mét, nên nhiều du khách muốn đặt chân được lên ghềnh đá để chụp hình phải lội nước hoặc bơi ra rất bất tiện và nguy hiểm, chính vì vậy, tôi mới mạnh dạn đầu tư để làm nên cây cầu bắc qua ghềnh.
“Từ ngày có cây cầu, du khách đến đây rất thích thú vì có thể đi tới được ghềnh đá thuận lợi. Và nhờ đó, bình quân mỗi ngày mình cũng kiếm năm bảy chục, một trăm để trang trải cuộc sống hằng ngày”- ông Bùi Công phấn khởi cho hay.
"Cây cầu du lịch" của vợ chồng ông Bùi Công |
Không riêng gì vợ chồng ông Công mà nhiều ngư dân, nông dân ở đảo Bé trước đây chỉ biết đánh bắt cá, trồng cây hành, cây tỏi thì nay người dân đã nghĩ ra nhiều cách để hưởng lợi từ du lịch bằng những cách làm ấn tượng khác nhau. Dù là nghề “tay trái” nhưng đã mang nguồn lợi không hề nhỏ cho người dân.
Từ ngày đảo Bé trở thành “thiên đường” du lịch, cũng là lúc ông Huỳnh Minh Đức gắn bó với công việc chạy xe điện để chở khách du lịch. Khách đến đảo thường yêu cầu ông chở đi thăm thú những nơi trên đảo, tùy theo lượng khách mỗi ngày ông Đức có thể kiếm được 100 đến 300 nghìn đồng. Với ông lái xe không chỉ có thu nhập mà còn hạnh phúc khi được giới thiệu những di tích, cảnh đẹp trên đảo cho du khách.
“Trước đây mình chỉ có nghề đi biển và làm nông, vất vả nhưng thu nhập không đều nhưng giờ nhờ có du lịch nên chuyển qua nghề này. Làm nghề "lái xe du lịch" thì sức lao động mình đỡ nhọc hơn và cũng có được nguồn thu nhập ổn định”- ông Đức chia sẻ.
Nhờ làm du lịch, người dân huyện đảo có thêm được nguồn thu nhập. |
Theo thống kê của huyện Lý Sơn, trong 3 tháng đầu năm 2017, có trên 15.300 lượt khách đến huyện đảo, trong đó có khoảng 2.500 lượt khách đến đảo Bé và 190 lượt khách quốc tế. Hầu hết du khách đến với đảo Bé sau khi thăm thú các danh lam, thắng cảnh thì còn muốn tắm biển, lặn ngắm san hô. Và khu vực ghềnh đá nằm ở phía bắc đảo Bé mà người dân địa phương gọi lã bãi Hang trở thành nơi lý tưởng nhất để du khách thoả mãn với chuyến đi của mình.
Có cung ắt có cầu, để phục vụ du khách, nhiều người dân đảo Bé có thêm nghề mới là cho thuê áo phao, kính lặn biển, dịch vụ tắm nước ngọt, mở dịch vụ ăn uống….
Chị Thủy- một người cho hành nghề cho thuê áo phao, kính lặn…cho du khách chia sẻ: Mùa này, nhiều diện tích đất nông nghiệp ít ỏi ở đảo Bé phải bỏ không vì không có nước tưới, khi khi đó lượng khách du lịch thời điểm này tăng cao, nên người dân chúng tôi chuyển sang nghề “tay trái” là kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch ra thăm đảo. Nhờ đó,ngoài nguồn thu nhập từ cây hành, cây tỏi và nghề biển thì dịch vụ du lịch cũng mang lại cho người dân đảo Bé chúng tôi cũng được nguồn thu nhập đáng kể, cuộc sống nhờ đó thêm khấm khá hơn.
Video: "Cây cầu du lịch" trên đảo Bé của lão ngư
Cải thiện sinh kế từ việc phát triển du lịch, đang là hướng đi phù hợp để người dân đảo Bé biết tận dụng ưu thế địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết người dân trên đảo Bé chỉ làm du lịch theo hướng tự phát. Chính vì vậy, để việc phát triển du lịch lâu dài, mang lại sinh kế bền vững cho người dân, cần thêm rất nhiều yếu tố.
Ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi, người dân cần được đào tạo bài bản và chính quyền địa phương cần có những định hướng và quản lý chặt chẽ, tránh để người dân chỉ lo chú trọng đến cái lợi trước mắt mà quên đi công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá mà tạo hóa đã ban tặng.
Bảo Ngọc