(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều hộ gia đình ở nông thôn hiện đang rất cần nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Bởi, nguồn vốn này giúp họ chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Nhu cầu cao
Gắn bó với nghề làm chổi đót đã hơn nửa đời người, nhưng mỗi lần mua nguyên liệu, bà Trà Thị Cường, ở thôn Tân Phong, xã Phổ Phong (Đức Phổ) đều chật vật trong việc chuẩn bị nguồn vốn. Thế nên, khi nghe Ngân hàng CSXH huyện Đức Phổ cho vay vốn GQVL, bà Cường đã nhanh chóng làm thủ tục xin vay.
Nhờ 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, bà Trà Thị Cường, xã Phổ Phong (Đức Phổ) có thêm nguồn vốn để mua đót về làm chổi, tăng thu nhập. |
Bà Cường chia sẻ: “Cũng nhờ vay được 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH mà tôi có thêm vốn để mua đót về dự trữ làm, trang trải một phần khó khăn. Tuy nhiên, số tiền cho vay còn quá ít, nếu ngân hàng cho vay được 50 – 100 triệu đồng để tôi và bà con chủ động nguồn nguyên liệu ngay từ đầu mùa thì người làm nghề sẽ có lãi hơn”.
Tính đến hết tháng 2.2017, tổng dư nợ cho vay theo chương trình Giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh gần 114 tỷ đồng, với 5.424 hộ vay, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Song, nếu nói về nhu cầu, thì trên địa bàn tỉnh cần thêm khoảng 100 tỷ đồng. Trong khi đó, hằng năm nguồn ngân sách bổ sung của tỉnh là 10 tỷ đồng và nguồn ngân sách của các huyện, thành phố khoảng 10 tỷ đồng, nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh TRẦN DUY CƯỜNG |
Theo người dân làng nghề, sau Tết Nguyên đán, người dân làng nghề chổi đót thường tập trung về các huyện miền núi hoặc các tỉnh Tây Nguyên để thu mua đót về làm chổi. Nếu mua đót tận nơi, người mua có thể lựa chọn đót đẹp, mà giá cả cũng phù hợp. Tuy nhiên, nếu ai không có vốn lớn thì đành chấp nhận lấy lại đót của các đại lý với giá cao hơn nhiều, dẫn đến lợi nhuận giảm đáng kể.
Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đức Phổ Nguyễn Anh Tuân, đến nay tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Đức Phổ trên 233 tỷ đồng, với 11 chương trình vay vốn. Trong đó, dư nợ của chương trình cho vay giải quyết việc làm là 15 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,7%/tổng dư nợ. Hiện nay, nhu cầu nguồn vốn cho vay GQVL trên địa bàn huyện là rất lớn. Tuy nhiên, hằng năm ngân sách của tỉnh và huyện chuyển sang chỉ có 1,4 tỷ đồng. So với nhu cầu thì nguồn vốn này là quá thấp. Vì vậy, mong muốn hằng năm, tỉnh và huyện quan tâm trích từ nguồn thu và tiết kiệm chi để bổ sung nguồn vốn nhiều hơn nữa.
Cần tăng thêm nguồn vốn
Chương trình tín dụng GQVL đã góp phần khôi phục ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt là lao động dôi dư do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và đối tượng vay vốn, hiện nay nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi nguồn vốn dành cho hộ nghèo lại không giải ngân hết. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu cân đối các nguồn vốn, giảm các chương trình dư vốn và bổ sung thêm nguồn vốn GQVL cho Ngân hàng CSXH để kịp thời cho vay. Từ đó mới đáp ứng mong mỏi của hộ vay, nhất là các cơ sở làng nghề truyền thống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống cho người dân nông thôn.
Bài, ảnh: HỒNG HOA