Vàng sắc mai, thắm tình người

10:03, 05/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đằng sau sắc mai vàng là những giọt mồ hôi và nếp nhăn trên khuôn mặt người trồng. Để rồi, trong thú chơi hoa, có loại khoe sắc thắm như mai được gìn giữ nhiều khi hơn cả tuổi một đời người.

Những ngày sau Tết, người trồng mai đã bắt tay vào vụ mùa mới. Thường thì từ nửa cuối tháng Giêng, người trồng mai tất bật tỉa nụ và hoa, bấm cành, vào phân và thay đất. Những chậu mai cho thuê, phải thu hồi nhanh để cây dưỡng sức chờ mùa Tết sau bung hoa. Cho nên, khoảng thời gian này là tháng vất vả, bận rộn nhất trong năm của nghề trồng mai.

Những người muôn năm cũ

Đến làng mai thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) không thể không nhắc đến ông "Tý mai”. "Tý mai” là tên gọi quen thuộc nhiều người đặt cho ông Nguyễn Văn Tý (55 tuổi), có 28 năm kinh nghiệm trồng mai. Bên mái hiên nhà ông Tý là vườn bonsai độc đáo, đẹp mắt và hàng trăm chậu mai.

 Để “luyện” mai thành dáng, người trồng phải kiên trì, đam mê trong nhiều năm liền.
Để “luyện” mai thành dáng, người trồng phải kiên trì, đam mê trong nhiều năm liền.


Nếu giới chơi mai thường giàu có, sành điệu thì người trồng mai chủ yếu từ nghề nông mà ra. Mỗi người đến với nghề đều có một câu chuyện riêng, nhưng lý do chính phần vì đời sống khó khăn, nên họ xoay sở tìm thêm việc để làm. Lão nông Nguyễn Tấn Đạt (62 tuổi), ở làng trồng mai thôn Xuân Vinh là một trong số ấy.

Cũng chính từ nghề trồng mai đã giúp nhiều người biết đến ông Đạt. Gần 20 năm trước, ông Đạt suy nghĩ tìm hướng làm ăn và cây mai là sự lựa chọn của ông. Ban đầu ông Đạt mua 50 gốc mai với giá 20 nghìn đồng/gốc. “Thời ấy bỏ ra ngần ấy tiền mua mai về trồng mà làm không ra hồn thì người ta cười cho. Có đêm đã 11, 12 giờ rồi tôi còn trằn trọc phải bật dậy lò mò ra vườn xem cây. Phóng lao thì phải theo lao thôi...”, ông Đạt kể nhẹ tênh.

Vì vất vả, nhọc nhằn cứ khom lưng, cúi mặt mãi ngoài vườn lại lâu thu hoạch, nên nghề trồng mai có tính sàng lọc rất cao. Hiện nay, những người còn bám trụ với nghề trồng mai ở Hành Đức như ông Tý, ông Đạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với những người đã “nặng tình” với nghề trồng và “luyện mai” như một sự hữu duyên mà gắn bó với loài hoa sang trọng này.

Của để dành cho con

Bây giờ, nhu cầu người chơi càng nâng cao, đòi hòi càng khó tính hơn. Người chơi cũng sẵn sàng chi số tiền lớn để có được cây mai như ý. Nhưng khi không được giá, người trồng mai cũng đủng đỉnh, chẳng vội bán ngay. Bởi không như những mặt hàng khác, người bán luôn đẩy hàng bán thật nhanh. Còn với mai, cây mai càng già, thân càng vững, hoa càng đẹp. “Có những cây mai lâu năm tự ra hoa đúng dịp Tết mà không cần người trồng dùng kỹ thuật kích hoa. Mai càng giữ lại, càng được giá”, ông Đạt cho hay.

Mỗi chậu hoa mai được ví như công trình lâu năm của người trồng. Ấy vậy nên, lâu ngày lại trở thành người bạn thân quen thuộc. Dù làm nghề trồng mai, nhưng thật ra trong lòng chẳng ai muốn bán đi điều mình đã từng tâm huyết ấp ủ. Nhưng có lúc cơm áo gạo tiền vây quanh, người trồng cũng đành bán cái cây mai của mình mà trong lòng vẫn còn ngậm ngùi. Ông "Tý mai” bảo: “Bán cây rồi ra vườn thấy chỗ trống như thiếu vắng điều gì!”.

Làm gì thì làm, nhưng người trồng mai cũng nhất định để lại cho con vài cây làm... của để dành với mong ước con cháu bớt nhọc nhằn hơn. Đó cũng là tâm tư của những người trồng mai gửi gắm con cháu nâng niu, trân trọng nghề truyền thống để làng nghề ngày càng tiến xa hơn.
 

Chăm mai như chăm con mọn

Nghề trồng mai không thể “ăn xổi” như các loại hoa theo mùa. Cây mai không thể tạo dáng ngày một ngày hai là xong. Cây mai đẹp phải đáp ứng các tiêu chí cốt, dáng và hoa. Cốt càng lâu năm, càng giá trị. Dáng mai đòi hỏi người trồng phải nhọc công vun trồng. Và để hoa mai bung nụ khoe sắc đúng vào ngày Tết, người trồng phải am hiểu và nắm bắt thời tiết, trẩy lá đúng thời gian. “Chăm mai không khác gì chăm con mọn, từ lúc còn bé cho đến lúc lớn vẫn phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn”, ông Đạt chia sẻ.

Bài, ảnh: Huỳnh Thảo
 


.