Triển vọng mô hình bí đỏ xuất khẩu

01:03, 16/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; áp dụng các phương pháp canh tác mới với tiêu chí sạch, là những biện pháp đang được áp dụng và từng bước nhân rộng tại huyện Sơn Tịnh.

Sau hơn 2 tháng trồng thử nghiệm giống bí đỏ Nhật Bản, ông Phạm Ngọc Công, ở thôn Minh Lộc, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) bắt đầu thu hoạch. Doanh nghiệp được hợp đồng tiến hành thu mua. Ông Công phấn khởi cho biết: Mới trồng thử nghiệm, nhưng giống bí này dễ làm, phù hợp với thổ nhưỡng. Gia đình ông Công trồng 3,5 sào bí đỏ với chi phí đầu tư khoảng 3 triệu đồng.

Theo ông Công, so với cây dưa hấu thì trồng giống bí đỏ này dễ hơn nhiều, đơn giản từ khâu làm đất, giảm tiền đầu tư phân thuốc và cả thời gian chăm sóc. “Mình chỉ lo chăm bón cho bí phát triển đạt năng suất, còn giá cả không phải lo, vì doanh nghiệp đã cam kết bao tiêu với giá thị trường. Làm nông sướng nhất là không phải lo đầu ra”, ông Công nói.

 Ông Phạm Ngọc Công ở thôn Minh Lộc, xã Tịnh Bắc thu hoạch bí đỏ Nhật Bản.
Ông Phạm Ngọc Công ở thôn Minh Lộc, xã Tịnh Bắc thu hoạch bí đỏ Nhật Bản.


Mới đây, vì thấy dễ làm và yên tâm đầu ra của sản phẩm, nên ông Huỳnh Văn Khải, ở thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc xuống giống 30 sào. Ruộng bí của ông Khải phát triển rất tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Ông Khải mời doanh nghiệp đến tham quan và đề nghị ký cam kết thu mua sản phẩm khi ông thu hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn huyện triển khai trồng giống bí đỏ Nhật Bản với tổng diện tích 19ha ở các xã Tịnh Trà, Tịnh Hiệp, Tịnh Bắc và Tịnh Bình. Qua thu hoạch trà đầu, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, doanh thu 120 triệu đồng/ha chưa trừ chi phí. Ngoài việc dễ chăm sóc, ít tốn công cũng như chi phí đầu tư. Huyện Sơn Tịnh đã đứng ra hợp đồng với doanh nghiệp đảm bảo việc thu mua sản phẩm theo giá thị trường, nên nông dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, giống bí đỏ Nhật Bản là sản phẩm xuất khẩu, nên nhu cầu trên thị trường rất lớn, không sợ thừa nguồn cung.

Với các xã phía Tây huyện Sơn Tịnh, nhiều năm qua, người dân địa phương chỉ canh tác các loại cây trồng truyền thống như mía, mì, đậu phụng theo cách làm thủ công truyền thống, lợi nhuận kinh tế thấp. Cây dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều người làm, nhưng thị trường không ổn định, đầu tư lớn nên rất bấp bênh. Do đó, hiện nay giống bí đỏ Nhật Bản được nhiều hộ dân trồng  trên các cánh đồng bạc màu, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho nông dân.

Ông Nguyễn Viết Ngữ, đại diện Công ty CP  Đầu tư và phát triển nông nghiệp Việt Nam, đơn vị cung ứng giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, cho biết: Chúng tôi cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tuy nhiên đây là sản phẩm xuất khẩu, nên mong muốn bà con nông dân thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình đã hướng dẫn, để sản phẩm đáp ứng được tiêu chí an toàn.
           

Bài, ảnh: X.THIÊN

 


.