(Báo Quảng Ngãi)- Giá bán ổn định, thị trường tiêu thụ rộng khi tôm là đối tượng duy nhất chưa có trần xuất khẩu. Tuy nhiên, những lợi thế này chưa phát huy hiệu quả vì tồn tại nhiều bất cập, rào cản trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đó là môi trường bị ô nhiễm, là kỹ thuật nuôi còn hạn chế, trong khi lợi ích của người nuôi tôm và doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết hài hòa.
Bỏ quên “cái ao lắng”
“Khi nói đến dịch bệnh, người dân và ngành chuyên môn thường "nhằm" vào chất lượng con giống mà “quên” suy xét quy trình cấp, thoát nước”, ông Trần Văn Bảy, xã Đức Minh (Mộ Đức), một trong những hộ nuôi tôm hiệu quả nhìn nhận.
Bế tắc vì dịch bệnh bủa vây, người nuôi tôm trong tỉnh nuôi tôm theo kiểu "mì ăn liền", khiến doanh nghiệp cũng gặp khó. |
Lâu nay, người nuôi tôm thường được hướng dẫn là ao nuôi phải có kênh cấp và thoát nước riêng biệt. Tuy nhiên, nguồn nước biển ngày càng ô nhiễm, khoảng cách giữa kênh cấp và thoát thu hẹp. Vì vậy hiện nay, người dân các vùng nuôi tôm trong tỉnh tuy muốn tách biệt kênh cấp và thoát nước cũng rất khó tìm được nguồn nước để thực hiện.
Dù được xem là căn bệnh nan y trong nghề nuôi tôm nhưng không phải không có cách chữa trị. “Đã đến lúc người nuôi tôm nên suy xét và áp dụng giải pháp “cái ao lắng”, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông cho biết.
Giải pháp “cái ao lắng” đã được ngành thủy sản khuyến cáo từ nhiều năm trước. Và khi nguồn nước gia tăng mức độ, quy mô ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh bủa vây trên con tôm thì “cái ao lắng” đã chứng minh tác dụng tại “vựa” tôm đồng bằng Sông Cửu Long cũng như một số địa phương. Nhưng, ở các vùng nuôi tôm trong tỉnh, “cái ao lắng” lại không được người dân quan tâm áp dụng. “Diện tích hồ tôm nhỏ. Nếu xây thêm ao lắng sẽ tốn diện tích cũng như chi phí đầu tư”, anh Võ Việt Thắng, người nuôi tôm xã Đức Thắng (Mộ Đức) lý giải.
Theo bà Đỗ Thị Thu Đông, chỉ cần diện tích 10-20m2 và một số vật liệu phụ trợ như sạn, than hoạt tính là “cái ao lắng” có thể lắng lọc và loại bỏ một phần chất thải, đảm bảo độ sạch cần thiết cho nguồn nước cấp. “Nếu có điều kiện, người nuôi tôm có thể xây dựng hai “cái ao lắng” để xử lý nước cấp và nước thoát, góp phần hạn chế ô nhiễm”, bà Đông nhấn mạnh.
Doanh nghiệp và người nuôi tôm chưa gắn kết
Bộ NN&PTNT xác định, con tôm là đối tượng ổn định nhất về giá bán cũng như đầu ra. Tuy nhiên, vì người nuôi tôm và doanh nghiệp ở "xa nhau", nên lợi thế trên chưa phát huy hiệu quả. Dù diện tích nuôi tôm trong tỉnh 420ha, sản lượng đạt 4.200 tấn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung thu mua tôm nguyên liệu, chưa chú trọng đến lĩnh vực chế biến.
Ngoài lý do nguồn nguyên liệu thường xuyên biến động, không đảm bảo sản xuất, việc người dân nuôi tôm theo kiểu “mì ăn liền” khiến một số DN, nhất là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tôm e ngại. “Thị trường xuất khẩu tôm rất rộng, giá ổn định, nhưng lại yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, đặc biệt là dư lượng kháng sinh cũng như tạp chất. Điều này chưa được người nuôi tôm ở Quảng Ngãi quan tâm và chú trọng”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thanh An, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Ngoài ra, giữa DN và người nuôi tôm chưa có những ràng buộc nhất định trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Trong khi người dân phàn nàn “DN không chia sẻ khó khăn và rủi ro với người nuôi tôm”, thì phía DN lại cho rằng “người nuôi tôm không tuân thủ hợp đồng đã ký kết”.
Khi tôm mất mùa, giá tăng thì người dân “quên” DN đã đồng hành cùng mình, đi bán nguyên liệu cho DN khác có giá mua cao hơn. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. “Người dân vi phạm hợp đồng, chúng tôi phải... ôm nợ! Vì nếu không đảm bảo sản lượng và thời gian cung ứng, chúng tôi sẽ bị đối tác nước ngoài phạt phí vi phạm hợp đồng rất nặng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất cũng như uy tín DN”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thanh An bày tỏ.
Rào cản trên không chỉ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất tôm, mà còn khiến khoảng cách giữa DN và người nuôi tôm ngày càng xa. Vì vậy, để khôi phục lại vị thế của nghề nuôi tôm, người nuôi tôm phải thay đổi phương thức sản xuất; đồng thời nâng cao trách nhiệm khi hợp tác với DN để “kéo” DN về phía mình, thay vì cứ mãi trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Bài, ảnh: MỸ HOA