Phát triển chăn nuôi bán hoang dã

08:03, 23/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì chăn nuôi theo kiểu nhốt chuồng, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã chọn các rừng keo, bạch đàn hoặc thuê đất gò đồi để phát triển chăn nuôi theo kiểu bán hoang dã. Cách làm này không chỉ tránh gây ô nhiễm cho khu vực dân cư mà còn tạo ra chất lượng thịt ngon, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nuôi gà dưới tán rừng

Gắn bó với nghề chăn nuôi gà trên chục năm, nhưng gần đây, anh Nguyễn Văn Đào ở xã Bình Long (Bình Sơn) quyết định di dời đàn gà lên rẫy keo của gia đình để nuôi. “Mấy năm trước nuôi gà ở nhà chỉ vài trăm con cũng đã thấy vất vả rồi, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại. Từ ngày chọn cách nuôi gà dưới tán keo thấy hiệu quả hơn hẳn. Đặc biệt, chăn nuôi ở trên rẫy keo, cách xa khu dân cư, nên mình có thể nuôi với số lượng gần chục nghìn con mà vẫn không sợ ảnh hưởng đến môi trường, cũng như hạn chế được dịch bệnh”, anh Đào chia sẻ.

Chăn nuôi dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Không riêng gì anh Đào, ở Bình Sơn còn có hàng chục hộ dân chọn phương pháp chăn nuôi bán hoang dã này. Để thuận tiện cho việc chăm sóc, các hộ chăn nuôi đã xây dựng từng khu chuồng trại riêng biệt theo từng độ tuổi của gà. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo không gian thả nuôi cho từng loại gà, người nuôi dùng lưới khoanh vùng từng ô bên ngoài và được nối thông với khu chuồng trại. Với cách làm này, toàn bộ gà vừa được chăn thả tự nhiên dưới tán keo, bạch đàn, vừa có nơi để trú ngụ an toàn.

Ông Đào Văn Tiên, thôn Long Bình, xã Bình Long cho biết: “Trong điều kiện đất đai thu hẹp, dân cư đông đúc, tình hình dịch bệnh diễn ra thường xuyên như hiện nay, thì xu hướng chăn nuôi dưới tán rừng là phù hợp nhất. Hơn nữa, chăn nuôi gà theo kiểu bán hoang dã vừa tạo được sân chơi cho gà, vừa có bóng mát để gà núp, tránh được ánh nắng gay gắt, giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh hơn. Đồng thời, chất lượng thịt cũng ngon, dai hơn nhiều so với gà nuôi theo kiểu nhốt chuồng".

Hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học

Mặc dù chăn nuôi gà trên các rẫy keo, mì, cách xa khu vực dân cư, nhưng nhiều hộ chăn nuôi gà ở Bình Sơn vẫn sử dụng đệm lót sinh học. Việc ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà an toàn đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, xã Bình Long cho biết: “Trước đây, khi nuôi bằng cách truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp... Mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Nhưng khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học, tình trạng này được cải thiện đáng kể.

Anh Võ Trọng Thanh, xã Bình Hòa (Bình Sơn) giải thích: “Bất kể mình nuôi giống gà gì, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo các khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, chọn giống cũng như công tác phòng dịch. Theo đó, thức ăn cho gà con là giá đỗ; gà lớn cho ăn cám con cò, nhưng tỷ lệ sẽ được giảm dần khi gà được hai tháng tuổi. Đồng thời tăng lượng lúa, cám bắp và các loại rau muống, chuối cây để đảm bảo dinh dưỡng cho gà. Đặc biệt, với công thức này, tôi vừa tiết kiệm chi phí, vừa tận dụng rau vườn nhà và đảm bảo chất lượng gà thịt thơm ngon khi đưa ra thị trường”.

Những năm gần đây, nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi bền vững ngày một phát triển. Trong đó, nhiều hộ đã liên kết với nhau, hình thành những câu lạc bộ chăn nuôi để hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất hiện nay là đầu ra vẫn còn bấp bênh, gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Bài, ảnh: NHẬT UYÊN
 


.