(Baoquangngai.vn)- Dù giá cả thất thường, nhưng thấy giá ớt năm ngoái tăng cao, nhiều nông dân đã và đang phá bỏ lúa, rau màu để trồng ớt. Việc phát triển tự phát khiến cây ớt đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TIN LIÊN QUAN
Thi nhau trồng ớt
Những ngày này, dù lịch thời vụ đã qua lâu, nhưng ở khắp nơi, nhiều nông dân vẫn đang hối hả xuống giống ớt với hy vọng thu lời cao như năm ngoái. Tại các xã vùng chuyên canh rau, màu của huyện Tư Nghĩa, ớt được trồng từ đồng sâu đến ruộng cạn, những hàng ớt tít tắp và ngút ngàn.
Lom khom ràng lưới cho ruộng ớt, ông Võ Đình Lý ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cho biết: “Vụ này gia đình tôi trồng hơn 8 sào, thời tiết thất thường, mưa nhiều, ớt thối chết nên phải xuống giống 2 - 3 lần mới đạt, nhưng nhiều người vẫn không bỏ cuộc. Nếu giá ớt như năm ngoái thì hốt bạc”.
Mặc dù chịu nhiều thiệt hại ban đầu do thời tiết thất thường, nhưng người trồng ớt vẫn không từ bỏ ý định trồng ớt. Chết lứa này họ lại xuống giống lứa khác, phá bỏ cả cây lúa, rau màu khác để trồng ớt.
Bà Nguyễn Thị Liên, người cùng thôn với ông Lý chia sẻ: “Đất này là đất lúa, thấy ớt năm trước giá cao quá nên cùng nhau phá lúa trồng ớt. Biết là như đánh bạc nhưng ai cũng đầu tư khủng vào ớt, có nhà thuê đất trồng đến hơn chục sào”.
Vụ này, diện tích ớt tăng đến "chóng mặt". |
Theo nhẩm tính của bà Liên, nếu mưa thuận gió hòa, 1 sào ớt đầu tư khoảng gần 2 triệu đồng, nhưng năm nay thời tiết bất lợi nên chi phí tăng vọt hơn 10 triệu đồng. Nếu giá cả như năm ngoái thì nông dân có thể thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/sào. Đấy là lý do khiến người nông dân vẫn “mê” ớt, dù cho giá cả thất thường.
Đã từng nhiều lần nuốt nước mắt chặt bỏ cây ớt vì trồng đại trà, đến khi chín rục cây chẳng ai mua, nhưng ông Nguyễn Phong ở thôn Đông Hà, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) vẫn bị cuốn vào sức hấp dẫn của cây ớt.
"Hai năm nay ớt luôn có giá cao. Tính ra lợi nhuận từ cây ớt cao gấp 10 lần cây rau. Vụ này tôi chuyển toàn bộ 5 sào diện tích rau màu của gia đình sang trồng ớt. Được ăn cả ngã về không”- ông Phong phân trần.
Những bài học chưa cũ
Theo nhiều địa phương, ước tính diện tích ớt tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016. Việc sản xuất chạy theo giá cả thị trường, không những làm mất cân đối về diện tích, sản lượng mà còn gây khó đầu ra cho sản phẩm.
Đã nhiều lần, người trồng ớt điêu đứng vì giá "chạm" đáy. |
Điều đáng nói là, tình trạng sản xuất chạy theo phong trào, giá cả thị trường, không ít lần người nông dân phải nuốt nước mắt, thua lỗ nặng do trồng, chăn nuôi những sản phẩm phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Còn nhớ vụ ớt năm 2014, những người môi giới về quê vận động người dân trồng ớt bán sang Trung Quốc, họ hỗ trợ giống và thu mua với giá cao. Thấy cơ hội kiếm tiền, nông dân cũng thi nhau trồng ớt.
Thời điểm đầu vụ, giá mỗi ký được “thổi” giá 22.000 đồng, một tháng sau khi ớt chín rộ giá chỉ còn 9.500 đồng/kg, “chạm đáy” là 5.000 đồng/kg, khiến nông dân điêu đứng, đành chặt bỏ chuyển sang trồng tạm ít rau xanh để bán.
Không chỉ ớt mà giá dưa hấu, và mới đây là thanh long, chuối hay giá heo hơi… “chạm" đáy khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là những bài học chưa cũ. Chúng ta đã có quá nhiều bài học, thế nhưng người dân vẫn nuôi trồng theo kiểu "đánh bạc", bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Ông Trần Dương- Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Quảng Ngãi cho biết: “Cây ớt không nằm trong diện quy hoạch riêng mà quy hoạch trong diện tích cây rau màu. Hiện nay, số lượng ớt tiêu thụ trong và ngoài tỉnh rất hạn chế, chủ yếu là xuất bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên không khuyến khích tự phát mở rộng”.
Cũng theo ông Dương, để tránh rủi ro trong trồng trọt, nông dân nên trồng các giống cây nằm trong diện tích quy hoạch, chỉ sản xuất khi có nguồn tiêu thụ ổn định; duy trì sản xuất các loại cây trồng khác để có thị trường ổn định và mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Bài, ảnh: A.KIỀU