(Baoquangngai.vn)- Khu bảo tồn biển Lý Sơn vừa chính thức công bố và đang xúc tiến các hoạt động đầu tiên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giải quyết bài toán sinh kế của 800 ngư dân đánh bắt gần bờ bị ảnh hưởng bởi Khu bảo tồn này.
TIN LIÊN QUAN
Làm gì để sinh sống?
Ngay sau khi công bố thành lập, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức buổi gặp gỡ đầu tiên với đông đảo cư dân trên đảo, nhất là các hộ ngư dân đánh bắt ven bờ.
Cán bộ đã truyền đạt đến ngư dân sự cần thiết và cấp bách trong điều kiện sinh thái biển ở Quảng Ngãi nói chung và huyện đảo Lý Sơn nói riêng đang bị suy giảm nghiêm trọng và các vùng “cấm” của Khu bảo tồn.
Với phương pháp truyền đạt lấy người nghe làm trung tâm trao đổi, không khí của buổi gặp gỡ sôi nổi và cởi mở. Ngư dân hào hứng tham gia vào việc tìm hiểu những lợi ích từ Khu bảo tồn biển và họ cũng mường tượng được kế sinh nhai của mình sẽ phải thay đổi khi Khu bảo tồn chính thức đi vào hoạt động.
Mấy chục năm qua, cả gia đình bà Võ Thị Tốt, ở xã An Vĩnh gắn bó với vùng biển cạn để sống. Không có điều kiện sắm được tàu to, máy lớn để vươn khơi dài ngày, cả gia đình bà gắn đời mình với chiếc thuyền có công suất nhỏ để đánh bắt gần bờ làm kế sinh nhai.
Một góc Khu bảo tồn biển Lý Sơn. |
Mỗi ngày gia đình bà có thể kiếm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống. Hôm nào may mắn, cả nhà thu được khoảng trên 1 triệu đồng. Khi nghe tin sẽ không còn được đánh bắt ven bờ, bà Tốt vô cùng lo lắng.
“Gia đình tôi sống bằng nghề ven bờ đã mấy chục năm qua, rất vất vả, nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình. Nay nếu cấm thì không biết sẽ là gì để sống? Nhà nước phải cho chúng tôi vay vốn ưu đãi để làm chiếc tàu lớn đánh bắt xa bờ”- bà Tốt chia sẻ. Người cùng xã với bà Tốt là ông Nguyễn Thành Được cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc bảo tồn biển Lý Sơn, nhưng lo lắng khi nguồn sống của gia đình bị ảnh hưởng.
Không chỉ có hộ bà Tốt, ông Được mà 800 ngư dân trên đất đảo đang bám vùng biển cạn để sống. Họ vẫn biết những năm qua, sự khai thác quá mức làm nguồn cá, tôm và các loài thủy sản còn non bị suy kiệt nghiêm trọng, nhất là vào mùa sinh sản, nhưng vì cuộc sống còn khó khăn, phần lớn ngư dân lớn tuổi nên đành “nhắm mắt làm ngơ”.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề
Bà Bùi Thị Thu Huyền- Điều phối viên Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam cho rằng, điều kiện tiên quyết với các Khu bảo tồn biển là có sự tham gia của cộng đồng.
Ngư dân sẽ được hỗ trợ để chuyển đổi nghề. |
Cộng đồng mà không thật sự đồng tâm thì bảo tồn biển sẽ không thành công. Một trong những mấu chốt của sự thành công còn là sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động ngư dân cùng chung tay.
Do đó, nâng cao nhận thức để có được sự ủng hộ của ngư dân và có những giải pháp hỗ trợ sinh kế kịp thời cho ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng là việc làm cần thiết và cấp bách. Nếu không họ sẽ quay lưng lại với Khu bảo tồn.
“Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân cũng như trong cán bộ đảng viên, nâng cao nhận thức, làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho Khu bảo tồn biển hoạt động hiệu quả”- ông Lê Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay.
Ông Phùng Đình Toàn- Giám đốc Khu bảo tồn biển Lý cho biết, sau khi tập huấn cho ngư dân, Khu bảo tồn sẽ tiến hành thả phao đánh dấu vùng biển nằm trong phạm vi bảo tồn cho ngư dân biết và tuân thủ.
Giải pháp hỗ trợ sinh kế cho ngư dân là có chế độ vay vốn ưu đãi để ngư dân đóng thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Những ngư dân không có nhu cầu khai thác bằng thuyền lớn thì Khu bảo tồn sẽ có chính sách đào tạo nghề cho họ để làm những việc liên quan đến Khu bảo tồn.
Họ có thể làm hướng dẫn viên du lịch nếu họ còn trẻ, có trình độ hoặc làm dịch vụ hướng dẫn du khách lặn biển hay dịch vụ homestay để họ có thu nhập, ông Toàn cho biết thêm.
Lý Sơn được đánh giá là vùng biển có độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái điển hình như: rạn san hô, thảm cỏ biển và nhiều loại hải sản quý hiếm. Những năm gần đây, độ đa dạng sinh học ở vùng biển này đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức và bằng nhiều phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới kéo.
Vì vậy, việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn là giải pháp cấp thiết, nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác nguồn lợi sinh vật trái phép; phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi; nghiên cứu thăm dò khảo sát, khảo cổ; phát triển hình thái du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân Lý Sơn được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch.
Bài, ảnh: A.KIỀU