(Baoquangngai.vn)- Nuôi tôm kết hợp các loài cá đang được áp dụng phổ biến, mang lại hiệu quả cao, nhờ vậy mà nhiều diện tích hồ tôm bị bỏ hoang do dịch bệnh nay đã được phục hồi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giải pháp sinh học từ các loài cá
Chỉ tay ra đồng tôm, nơi các máy bơm nước, thổi khí cho hồ nuôi chạy xành xạch, ông Trần Văn Lợp, ở xã Phổ Vinh (Đức Phổ) hồ hởi nói: “Cả vùng này mấy năm trước treo hồ, hai nay đã dần dần khôi phục nhờ nuôi ghép với các loài cá. Vào vụ tôm mới cũng phấp phỏng, nhưng nhiều hy vọng”.
Ông Lợp cho biết, sau nhiều năm nuôi tôm thua lỗ, nợ nần chồng chất, ông đã lang thang trên mạng đọc được rất nhiều bài viết về nuôi tôm hạn chế dịch bệnh nhờ các loài cá như cá dìa, cá đối, cá rô phi, từ đó ông chọn nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm, vì nguồn cá rô phi dễ tìm hơn các loại cá khác.
Với 3 hồ tôm có diện tích hơn 6.000m2, ông dành hẳn ra 1 hồ có diện tích 2.000m2 để thả nuôi 200 cá rô phi. Nước bơm trực tiếp từ biển vào hồ nuôi cá rô phi, suốt thời gian khoảng nửa tháng, không cho cá ăn mà để chúng ăn thức ăn có sẵn trong nước. Sau đó tiến hành bơm nước từ hồ nuôi cá rô phi sang hồ thả nuôi tôm.
Cá rô phi được ví như "máy lọc nước nhân tạo" giúp môi trường nước sạch hơn. |
Vụ đầu tiên, ông vui mừng khi dịch bệnh trên tôm hạn chế được khoảng 70% so với cách nuôi cũ. Năm ngoái, ông Lợp nuôi được 3 vụ, trung bình 500m2 thu hoạch được hơn 1 tấn, trừ chi phí khoảng 60%, ông thu lãi được gần 300 triệu đồng. Vụ này, ông Lợp tiếp tục duy trì mô hình với hy vọng sẽ mở ra một hướng nuôi bền vững.
“Cá rô phi ít có giá trị kinh tế lại sinh sản nhanh, mỗi ký bán có 18.000 đồng, rẻ quá mình cho người ta vớt bớt về ăn, nhưng tôi chọn nó để nuôi vì dễ sống lại dễ mua. Thường thì khi thả cá rô phi xuống hồ khoảng 7 ngày là nước trong hồ trong xanh hẳn. Điều quan trọng nhất là nhờ nó xử lý môi trường mà tôm ít bệnh, nhất là bệnh hoại tử gan tụy”- ông Lợp bật mí.
Cùng với cá rô phi, nuôi ghép tôm với cá dìa, cá đối đang được người nuôi tôm sú ở các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) và xã Bình Châu (Bình Sơn) nhân rộng. Theo các hộ nuôi, cùng một diện tích, về lợi nhuận thì nuôi ghép tôm với cá đối, cá chẽm, cá dìa cao hơn cá rô phi.
“Năm 2016, qua tìm tòi, học hỏi, tôi thả nuôi thử nghiệm 30.000 con tôm sú, với 2.000 con cá dìa trên diện tích gần 2.500m2 rất thành công, dịch bệnh trên tôm đã hạn chế được 70%. Sau 4 tháng nuôi, tôi kiếm được gần 80 triệu đồng. Vụ này tôi đã xuống giống được 1 tháng, hy vọng sẽ thắng lợi!”- ông Nguyễn Tấn Đông, một người nuôi tôm sú ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) cho hay.
Hướng mở bền vững
Ông Nguyễn Tấn Mỹ- Chủ tịch UBND xã Phổ An cho biết, nhờ mô hình nuôi tôm qua 2 giai đoạn mà tại Phổ An, người nuôi tôm đã khôi phục được 10ha trên tổng diện tích 31,17ha nuôi tôm của địa phương. Không chỉ nuôi cá rô phi lấy nước nuôi tôm, một số hộ dân đã tự tìm tòi, học hỏi các mô hình nuôi kết hợp với các loại cá khác.
Giải pháp sinh học từ các loài cá được kỳ vọng là hướng mở bền vững cho nghề nuôi tôm. |
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra đối với con tôm do ô nhiễm môi trường nước, trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình nuôi cá kết hợp với tôm mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng bền vững cho người nuôi tôm và khuyến khích người nuôi tôm nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tài- Trưởng Phòng Ngư nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), với cá rô phi có thể nuôi cá rô phi lấy nước để nuôi tôm hoặc nuôi cá rô phi trong lưới đăng rồi thả nuôi trong hồ nuôi tôm.
“Cá rô phi là loài ăn tạp, ăn các loài thực vật, rong tảo trong ao, thức ăn thừa của tôm, vừa tiết ra chất nhầy để bảo vệ cơ thể vừa có thể diệt được một số loài vi khuẩn, giúp môi trường ao nuôi ổn định, hạn chế dịch bệnh cho tôm" - ông Tài cho biết thêm.
Không ít người nuôi tôm vì chưa hiểu quy trình hoặc vì lợi nhuận mà ghép chung nuôi cá rô phi và tôm để tận dụng diện tích hồ nuôi dẫn đến thất bại. Bởi nuôi như thế, cá rô phi sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm, hơn nữa cá rô phi sinh sản nhanh cạnh tranh diện tích, thậm chí ăn cả con tôm.
Với mô hình nuôi kết hợp tôm và cá, khuyến khích nuôi với cá dìa, cá chẽm, cá đối và cá măng sữa. Các loại cá này không cạnh tranh thức ăn với tôm. Thức ăn của chúng là rong tảo, mùn bã hữu cơ trong ao, sẽ hạn chế được dịch bệnh, không cạnh tranh thức ăn với tôm, giúp môi trường nuôi sạch hơn. Hơn nữa, tôm sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng đáy nên không cạnh tranh diện tích. Nhờ đó, tình trạng dịch bệnh ở tôm được hạn chế.
Bài, ảnh: C.PHONG